Giải ngân đầu tư công: Nhanh nhưng phải hiệu quả
Thúc đẩy tăng trưởng qua “cỗ xe tam mã” | |
Đầu tư công cần là “ngọn hải đăng” dẫn dắt kinh tế phục hồi | |
Giám đốc WB tại Việt Nam: Chính phủ đủ quyết tâm gỡ nút thắt đầu tư công |
Trụ cột kéo tăng trưởng
Nhìn lại năm 2020, sự quyết liệt thúc đẩy đầu tư công đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo số liệu cập nhật ở cuối tháng 1/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân đầu tư công năm 2020 đạt 452.400 tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 chỉ đạt 76,75%).
Mặc dù đầu tư công không phải là trụ cột duy nhất, nhưng con số trên đã cho thấy rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Phân tích rõ hơn đóng góp của đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương dẫn ra các con số: tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP năm 2020, trong đó đầu tư công chiếm 25% tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP. Tuy nhiên, con số này mới tính đến đóng góp trực tiếp của đầu tư công, chứ chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công.
Đầu tư công tiếp tục được xác định là trụ cột "kéo" tăng trưởng kinh tế |
Sang năm 2021 này, với dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn phức tạp, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm là nhiệm vụ quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế. Định hướng này đã được chỉ rõ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Với kinh nghiệm rút ra từ quá trình tổ chức điều hành kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2020, để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, ngay từ khâu lập kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã quán triệt nguyên tắc tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành, đã đảm bảo thủ tục đầu tư…
Nhờ đó, ngay trong tháng 1/2021, giải ngân đầu tư công đã được 15.000 tỷ đồng, đạt 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là con số khá ấn tượng khi mà tháng 1/2020 giải ngân đầu tư công chỉ đạt 0,95%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Bộ Tài chính đã xây dựng Chương trình công tác với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, trong quý I năm 2021 Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về đầu tư công. Quy trình thanh toán, quyết toán sẽ được minh bạch hóa và quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để có khối lượng hoàn thành để giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính sẽ kịp thời việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đảm bảo việc giao kế hoạch vốn theo kế hoạch và tiến độ, đồng thời đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis để đảm bảo nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân. Đồng thời sẽ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Đánh thẳng vào túi tiền
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra trong đó phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm kế hoạch cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu và xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý.
Bộ đề nghị các bộ, ngành và địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công.
Trao đổi về việc thúc đẩy đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tin rằng, với những điểm mới trong Luật Đầu tư công, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 sẽ tốt hơn. Đặc biệt trong Luật Đầu tư công có biện pháp mới đó là biện pháp “đánh thẳng vào túi tiền” để các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân tốt hơn.
Quả vậy, nếu như trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công, ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, càng có lợi cho bộ, ngành mình, địa phương mình. Tuy nhiên, với quy định mới ở Luật Đầu tư công, việc nhận nhiều vốn chưa chắc đã là tốt nếu không có phương án giải ngân hợp lý, đúng tiến độ. Bởi nếu bộ, ngành hay địa phương nào không giải ngân hết vốn trong năm sẽ bị trừ số đó vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ví dụ một đơn vị được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 5.000 tỷ đồng, năm đầu giao 1.000 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 800 tỷ đồng thì kế hoạch trung hạn sẽ bị giảm 200 tỷ đồng, chỉ còn 4.800 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải đi liền với chất lượng, hiệu quả. Luật Đầu tư công đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan như tư vấn, giám sát, thẩm định dự án... “Chúng tôi hy vọng, với những quy định chặt chẽ về giám sát, quản lý công trình... chất lượng dự án sẽ đi đôi với tiến độ giải ngân”, Thứ trưởng Phương phát biểu.