Giải pháp nào để phát triển ổn định ngành hàng sầu riêng Việt Nam
Sầu riêng phát triển quá nóng
Diễn đàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì tại đầu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với gần 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính tại TP. Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, diễn đàn còn kết nối hơn 1.000 điểm cầu trực tuyến là các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh thành có vùng trồng sầu riêng; các chủ nhà vườn, hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng, tổ chức, nhà nhập khẩu tham gia phát triển chuỗi ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn |
Theo thông kê, đến nay, cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Gần đây, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%, tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên (hơn 52.000 ha); Đồng bằng sông Cửu Long (33.000 ha); Đông Nam Bộ (21.000 ha) và một số địa phương khác. Riêng tại Đắk Lắk, hiện có khoảng 23.000 ha, đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang; trong đó, có khoảng 50% diện tích cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 khoảng 200.000 tấn.
Khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết tạo ra cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng.
Dự kiến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022). Tính đến tháng 8/2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.
Sản lượng sầu riêng Đắk Lắk tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016 - 2023, từ trên 30.000 tấn lên khoảng 190.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm. Trong đó, sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25%. Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang.
Song, sự tăng nóng về giá gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước. Đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên, hoạt động mua bán sầu riêng diễn ra khá phức tạp dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn…
Phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng sầu riêng
Tại Diện đàn, đại diện Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm nêu thực trạng về loạn giá, bẻ cọc làm gãy mối liên kết ngành hàng sầu riêng và những bài học kinh nghiệm; trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết với các hợp tác xã, người nông dân.
Nhiều ý kiến, chia sẻ về những bất cập, khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu ngành hàng sầu riêng Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ, một trong những khó khăn lớn của ngành hàng sầu riêng là liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững. Ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã - nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị tại vùng liên kết.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự còn đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ về những bất cập, khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Hầu hết các đại biểu mong muốn, các tác nhân trong ngành hàng cùng “ngồi với nhau”, thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng; từ đó, cùng hành động, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định, pháp luật, hành vi sản xuất, liên kết, thương mại, xuất khẩu không trong sáng để bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Cùng đó, đại diện các cơ quan chuyên môn tham dự diễn đàn còn phổ biến rộng rãi quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm; về hợp đồng kinh tế, thương mại nông sản, liên kết sản xuất; về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm sẽ được ban hành trong nghị định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa mới trình Chính phủ. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có những hành động cụ thể, quyết liệt để bảo vệ, phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân trồng sầu riêng.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác phát triển, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả người sản xuất và tiêu thụ. Việt Nam cần kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước; chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân, giúp người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.
Ông Hoan nhận định, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất với nhau. Cùng đó, phải nhận thức rõ, phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững…