Giảm lệ thuộc hóa chất nhập khẩu
Theo các chuyên gia khoa học, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam mới chủ yếu cung cấp được một số sản phẩm thông dụng, chưa sản xuất được các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Hóa chất được ghi nhận nằm trong nhóm các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu có mức kim ngạch tăng cao từ đầu năm 2022 đến nay nhằm phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào nguồn hóa chất nhập khẩu (trị giá tới hàng tỷ USD) đã làm giảm sức cạnh tranh cho chính họ.
Thực vậy, chỉ tính riêng ở một địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp như tỉnh Đồng Nai, thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2022, giá trị nhập khẩu hóa chất đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính mỗi năm, các doanh nghiệp tại Đồng Nai phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất. Nhất là khi có nhiều ngành sản xuất rất cần sử dụng hóa chất như giày dép, mũ, dệt may, xơ sợi dệt, công nghiệp sơn phủ và mực in, giấy, cao su, nhựa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất máy móc, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ sắt thép…
Theo số liệu từ Bộ Công thương, trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hóa chất đã tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc phải nhập khẩu nguyên liệu hóa chất và sản phẩm hóa chất với mức giá cao cũng là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Điều này góp phần làm tăng giá thành ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết vừa qua, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam có phản ánh về việc nhập khẩu nguyên liệu hóa chất đầu vào với mức giá quá cao. Điều này dẫn đến giá đầu ra của sản phẩm cũng cao theo, nên mức độ cạnh tranh cũng thấp đi. Đây là tình trạng chung của nhiều ngành sản xuất cần sử dụng nguyên liệu hóa chất, nhưng hiện chưa tìm được nhà cung cấp hóa chất trong nước phù hợp nên buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu.
Ông Thanh cho rằng các doanh nghiệp ngành sơn phủ và mực in phụ thuộc tương đối nhiều vào nguồn nguyên liệu hóa chất nhập khẩu như dung môi pha sơn, dầu gốc, màu, pha màu trong sơn... Nếu muốn giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh thì cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu hóa chất trong nước.
Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 mà Bộ Công thương đang trình Chính phủ, ngành hóa chất được định hướng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Một mặt, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần phát triển các tổ hợp hóa chất tập trung, trung tâm logistics về hóa chất và đây được coi là các đột phá trong Chiến lược phát triển ngành.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại.
“Việc phát triển công nghiệp hóa chất trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên và có tính chiến lược, kèm theo đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là cơ cấu lại các sản phẩm hóa chất nhằm đảm bảo nguồn cung tối thiểu cho các doanh nghiệp”, ông Thanh khẳng định.