Gian nan nâng tầm thương hiệu Việt
Thủ tướng chứng kiến ô tô điện thương hiệu Việt Nam lần đầu tiến ra thế giới Khẳng định thương hiệu Việt Nam Cộng đồng Việt kiều lan tỏa niềm tự hào về thương hiệu Việt |
Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xanh và kinh tế số, các doanh nghiệp cần “xanh hóa”, “số hóa” và kết nối sâu rộng trong chuỗi giá trị của ngành. Để xây dựng một thương hiệu có thể vươn ra thế giới, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng, tính độc đáo và sự sẵn lòng đầu tư lâu dài vào thị trường quốc tế. Cùng với đó, là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như EU và Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu về sản xuất xanh và giảm phát thải ngày càng được đề cao.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã khẳng định vị thế và tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường nước ngoài nhờ xây dựng thành công thương hiệu. Tuy nhiên, hình ảnh và nhận diện thương hiệu hàng hoá của Việt Nam tại nhiều thị trường còn tương đối khá mờ nhạt, nhất là, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, với hàng thủ công mỹ nghệ, để định vị thương hiệu của sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường, từ khách hàng và đi đúng phân khúc, qua đó mới có các sản phẩm phù hợp. Ví dụ, có 3 vấn đề chính, cốt lõi để định vị thương hiệu cho các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số chính là tính thuần Việt, câu chuyện văn hoá Việt Nam; tính sáng tạo, tính độc đáo; và tính bền vững.
Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang tìm được chỗ đứng ở thị trường Thái Lan |
Bàn về vấn đề này, ông Ashish Thukral, Tổng giám đốc Công ty quảng cáo truyền thông Mindshare Việt Nam nhấn mạnh, sáng tạo không ngừng là yếu tố quan trọng giúp thương hiệu tồn tại và phát triển trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về tài nguyên văn hóa và lịch sử đa dạng, nhưng cần sáng tạo hơn trong cách kể câu chuyện của mình để tạo ấn tượng với khách hàng quốc tế. Đồng thời, việc hiểu rõ nhu cầu, văn hóa và thói quen tiêu dùng của thị trường mục tiêu là yếu tố quyết định để phát triển sản phẩm phù hợp và thực thi các chiến lược marketing hiệu quả. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần tập trung vào xây dựng thương hiệu trên các nền tảng truyền thông số và thương mại điện tử để tạo dựng cộng đồng khách hàng trung thành.
“Việc lựa chọn theo đuổi chiến lược Toàn cầu hóa (Global) hay Toàn cầu hóa nội địa (Glocal) để phát triển thương hiệu phụ thuộc rất nhiều vào bản chất của thương hiệu, mục tiêu kinh doanh và đặc điểm của thị trường mục tiêu. Nếu doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng nhanh chóng và có khả năng tạo ra một mô hình kinh doanh đồng nhất, chiến lược Toàn cầu hóa có thể là lựa chọn phù hợp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp muốn xây dựng mối quan hệ sâu sắc với người tiêu dùng địa phương và có sự khác biệt lớn giữa các thị trường, chiến lược Toàn cầu hóa nội địa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”, vị chuyên gia chia sẻ.
Theo Tổ chức Brand Finance phân tích, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 69,8% năm 2023. Trong Bảng đánh giá Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2023, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn bị hạn chế về nguồn tài chính, nhân lực, công nghệ để có thể đầu tư bài bản, do đó việc triển khai chiến lược xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong đề án của Chính phủ khi xây dựng thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế cần có chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nhỏ, ngành công nghiệp phụ trợ… để vươn lên cùng với doanh nghiệp lớn, đủ sức vươn ra thế giới.