Gỡ thế khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp
Ngân hàng và doanh nghiệp cần sự "chung thủy" Ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng niềm tin để hỗ trợ nhau |
Điều này phản ánh qua nhiều chỉ số như chỉ số sản xuất công nghiệp hết tháng 7 vẫn giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 1,4% so với cùng kỳ 2022; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 19,3%…
Trong mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp, ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp, trong khi chi phí vốn tăng cao, sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp giảm sút. Dù nhiều nhà băng tiết giảm tối đa chi phí, cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,73% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của các năm trong giai đoạn 2018-2022.
Tín dụng tăng chậm đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng |
Ngược lại, “tồn kho vốn” đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các nhà băng. Thống kê sơ bộ 28 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy tổng lợi nhuận giảm so với quý trước. Nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng giảm do tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong khi NIM co hẹp và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng.
Trước thế khó của cả ngân hàng và doanh nghiệp, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, việc giảm lãi suất là hành động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng qua hình thức giảm “giá”. Nhưng cũng cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất mới chỉ là một “chìa khóa” để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.
Và để tăng năng lực hấp thụ vốn, tháo gỡ khó khăn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp, không thể chỉ xuất phát từ nỗ lực của ngành Ngân hàng, mà còn cần sự vào cuộc và chung tay của các bộ, ngành khác. Đơn cử như tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ khả thi khi ngành Công thương có các biện pháp đưa tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo quay trở lại. Tín dụng cho lĩnh vực thương mại sẽ chỉ có thể được duy trì, tăng cao nếu như các hoạt động thương mại, tiêu dùng trong nước, hay hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện. “Đẩy tín dụng vào khi năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân hay các cơ sở kinh tế chưa sẵn sàng về năng lực sử dụng, khi đó cũng khó đảm bảo rằng tín dụng với tư cách là nhân tố đầu vào sẽ được chuyển hoá hiệu quả thành tăng trưởng. Bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa hẳn là phương án tối ưu nhất. Nó có thể gây ra nhiều hệ luỵ, đặc biệt là rủi ro gia tăng nợ xấu do áp lực phải giải ngân vốn bằng mọi cách”, TS. Bình lưu ý.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, cần đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa để giảm chi phí thực thi của doanh nghiệp, có cơ chế chính sách phát triển thị trường vốn, tạo niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, giảm áp lực vào nguồn vốn ngân hàng. Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ về thủ tục pháp lý đối với những dự án dở dang, nhà ở xã hội; triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; nâng cao vai trò Quỹ bảo lãnh DNNVV tại các địa phương, rà soát đánh giá hiệu quả của quỹ này, trên cơ sở đó bổ sung vốn cho Quỹ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại TCTD được vay vốn khởi nghiệp hoặc khôi phục sản xuất kinh doanh.
Chính phủ cũng cần có thêm chính sách trợ giúp các doanh nghiệp, nhất là các DNNVV nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng được thuận lợi. Dù chỉ là một yếu tố, nhưng về phía ngân hàng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giảm lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ…
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT nhận định, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.