Gốm sứ tận dụng cơ hội để phát triển
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp ngành gốm đã nỗ lực phục hồi sản xuất và tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đầu tư ứng dụng công nghệ mới để vừa nâng cao chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao được giá trị sản phẩm đưa ra thị trường.
Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh tập trung vào xuất khẩu, chiếm đến 95% sản lượng với các thị trường chính là EU, Mỹ. Hiện tại, Công ty đang xây dựng kế hoạch thâm nhập vào nhiều quốc gia có các FTA mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA, RCEP... Đây được cho là các thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp gốm sứ nói riêng. Tính đến thời điểm này, Công ty đã kín đơn hàng đến hết quý III/2022.
Với những cơ hội mới, Công ty kỳ vọng doanh thu xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tăng trưởng khoảng 5-7%. Tuy nhiên, muốn vậy cần chủ động nâng cao chất lượng, đáp ứng những tiêu chuẩn mà các FTA quy định, qua đó tận dụng được những ưu đãi để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Sự phục hồi của thị trường đã giúp cho xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam khởi sắc. |
Để giúp các hội viên đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, thời gian tới, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức các hội chợ quốc tế như Hội chợ Thủ công mỹ nghệ tại TP. Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức), các hội chợ tại Mỹ, Italia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...
Có thể thấy, sự phục hồi của thị trường đã giúp cho xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam có chiều hướng khởi sắc. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt 63,77 triệu USD. Riêng thị trường EU, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,65 triệu USD trong những tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia, việc thực thi Hiệp định EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng vào châu Âu. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo đại diện CTCP Sứ Việt (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), đánh giá được tiềm năng phát triển của gốm sứ Bát Tràng, đồng thời nắm bắt được nhu cầu sử dụng sản phẩm gốm sứ của thị trường nước ngoài, Sứ Việt tập trung cung cấp dòng sản phẩm gốm sứ cao cấp.
Với nhiều năm kinh nghiệm, Sứ Việt còn chú trọng đầu tư công nghệ cũng như nâng cao tay nghề của thợ nên các sản phẩm luôn đáp ứng tốt những yêu cầu chất lượng tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu.
Các sản phẩm của công ty đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như Nga, Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai và một số nước châu Á...
Riêng trong tháng 7/2022, các đơn hàng của Sứ Việt đã có mặt tại 7 bang của nước Mỹ. Hiện nay, bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Sứ Việt đang tìm hiểu để khai thác các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP...
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, các làng nghề với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các doanh nghiệp ngành gốm sứ cũng đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng thủ công, tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy sản xuất cũng như tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Việc Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA đã mở ra cơ hội về thị trường xuất khẩu sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Hà Nội. Để tận dụng những cơ hội này, trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh việc thành phố hỗ trợ kết nối thị trường thì các doanh nghiệp cần chủ động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã để tăng tính cạnh tranh; đồng thời tìm hiểu kỹ thị trường cũng như các quy định của các FTA để tận dụng tốt lợi thế mà các FTA mang lại nhằm tăng trưởng xuất khẩu.