Hà Nội: Ưu tiên nhà đầu tư FDI lĩnh vực công nghệ cao
Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư công nghệ cao. Không chỉ tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư, mà Hà Nội đang đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp (KCN), nhất là khu công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn FDI lớn đang đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các tập đoàn FDI lớn khẳng định sẽ lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong những năm gần đây, Hà Nội trở thành điểm sáng về thu hút FDI của cả nước. Hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 6.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 46,8 tỷ USD.
Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, song Hà Nội vẫn thu hút gần 4 tỷ USD vốn FDI và 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Riêng tháng 3/2021 thành phố Hà Nội có 34 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30,5 triệu USD, trong đó có 29 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 5 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn bổ sung đạt 47,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 8,2 triệu USD. Lũy kế quý I/2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp phép mới và bổ sung vốn đạt 101,5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp quý I/2021 đạt 50,7 triệu USD.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh đã góp phần thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài lớn đến đầu tư tại các KCN |
Có thể khẳng định, việc cải thiện môi trường kinh doanh đã góp phần lớn không chỉ thu hút các doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài lớn đến đầu tư tại các KCN tại Hà Nội ngày càng nhiều. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại các KCN, thành phố còn có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Chính vì vậy mà trong năm 2020, các KCN vẫn thu hút đầu tư được 11 dự án mới với vốn đăng ký là 32,8 triệu USD và 144,4 tỷ đồng; 21 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký là 72,9 triệu USD và 147 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 118,2 triệu USD quy đổi. Trong năm 2021, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cũng đặt chỉ tiêu tổng vốn thu hút đầu tư đạt khoảng 300 triệu USD. Ngoài những KCN lớn mà Hà Nội tiếp tục triển khai, hiện trên địa bàn thành phố còn Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với khoảng 700 ha chưa lấp đầy có thể đón các nhà đầu tư. Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư FDI, nhất là lĩnh vực công nghệ cao…
Ông Lưu Hoàng Long, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ. Hiện tại, đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9/1/2021. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo ông Lưu Hoàng Long, môi trường đầu tư của Hà Nội nói chung và Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng đang được xem là lợi thế để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Các cấp chính quyền của Hà Nội và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc luôn tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế cũng như các điều kiện khác để nhà đầu tư có thể triển khai dự án của mình theo đúng kế hoạch…
Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 91.250 tỷ đồng, trong đó có 55 dự án đang hoạt động. Với những cơ chế và ưu đãi các doanh nghiệp vào khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ thu hút nhiều tập đoàn lớn đưa các công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào triển khai tại Khu công nghệ cao. Trong năm 2021, Ban quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phù hợp nhất, thuận lợi nhất cho các hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, kịp đón đầu làn sóng dịch chuyển của đất nước, trong khu vực và thế giới.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thành phố luôn lắng nghe các kiến nghị đề xuất và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Hà Nội. Năm nay Hà Nội đặt nhiệm vụ là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kiên trì các giải pháp nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp... Đặc biệt hoàn thiện hạ tầng các KCN để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI, trong đó ưu tiên doanh nghiệp FDI lĩnh vực công nghệ cao.
Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; phát triển và lấp đầy các khu công nghệ cao, KCN, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Lập các danh mục thu hút đầu tư cho các địa bàn, lĩnh vực, sản phẩm; chọn lọc, thu hút đầu tư đối với các dự án có sử dụng công nghệ cao…