Hải quan đề nghị không quản lý xuất khẩu gạo bằng hạn ngạch
Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo | |
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị phân bổ lại số lượng hạn ngạch | |
Hải quan: Không có sự can thiệp hạn ngạch xuất khẩu gạo |
Ảnh minh họa |
Xuất khẩu gạo bắt đầu “rối”
Có vẻ như hoạt động xuất khẩu gạo bắt đầu “rối” kể từ khi Bộ Công Thương đề xuất “dừng xuất khẩu gạo” nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước, được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 23/3/2020.
Đề xuất đó đã được Thủ tướng chấp thuận. Tuy nhiên ngay hôm sau, Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc đề nghị “tạm dừng việc tạm dừng xuất khẩu gạo” để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng, lượng tồn kho và lượng hợp đồng đã ký...
Chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu gạo từ 11/4. Hạn ngạch xuất khẩu được thông qua là 400.000 tấn gạo trong tháng 4.
Nhưng theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp thì hệ thống mở tờ khai của cơ quan hải quan đã được “kích hoạt” lúc 0h Chủ Nhật tuần trước, 12/4, và chỉ trong vòng vài tiếng đêm hôm đó đã được đóng lại vì đủ hạn ngạch.
Nhiều doanh nghiệp không kịp đăng ký tờ khai lên hệ thống, trong số đó có nhiều doanh nghiệp đã tồn số hàng lớn nằm tại các cảng khá lâu do không kịp xuất khẩu trước ngày 24/3, khi Việt Nam dừng xuất khẩu gạo.
Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo. Tiếp đó, ngày 17/4, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp…
Phía Tổng cục Hải quan giải thích, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) xử lý tự động theo đúng quy tắc trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu theo tờ khai đăng ký vào hạn ngạch 400.000 tấn như quy định của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4.2020 (có hiệu lực kể từ 24 giờ ngày 11/4). Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).
Ngày 17/4/2020, Tổng cục Hải quan đã có thông cáo báo chí nói rõ ý kiến về hướng giải quyết cho việc xuất khẩu gạo. Thông cáo này cho biết Tổng cục kiến nghị Thủ tướng trước hết cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020.
Đề nghị sau dịch Covid-19 không quản lý xuất khẩu gạo bằng hạn ngạch
Về phương án điều hành xuất khẩu gạo, Tổng cục Hải quan đề nghị Thủ tướng trong giai đoạn phải phòng chống dịch Covid-19 phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu. Trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phương án 1, giao Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai).
Phương án 2, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
“Sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu”, Tổng cục Hải quan nêu ý kiến.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết Bộ Tài chính đã 2 lần có ý kiến với Bộ Công Thương đề xuất về việc xuất khẩu gạo nếp gạo thơm và nêu 2 phương án điều hành xuất khẩu gạo nhưng “các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu”.
Bộ Tài chính trước đó đã đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương.
Phương án 2, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Lý lẽ của hải quan
Tổng cục Hải quan cho rằng với nguyên tắc quản lý hạn ngạch như hiện nay của Bộ Công Thương (hạn ngạch cấp theo tháng và doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước thì được xuất khẩu trước đến khi hết hạn ngạch) thì doanh nghiệp sẽ bị động trong việc quyết định phương án kinh doanh, gặp nhiều rủi ro khi xuất khẩu, không dám ký trước hợp đồng với đối tác khi chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không. Trường hợp ký hợp đồng có thể phải bị phạt vì không giao hàng đúng hợp đồng và có thể chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, lưu container, hàng tồn kho…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chịu các thiệt hại do không tận dụng được cơ hội kinh doanh, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thế giới đang tăng cao do nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Những rủi ro trên đây cùng với việc không đăng ký được tờ khai xuất khẩu cũng gây ra bức xúc cho doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan cho rằng, với số lượng gạo xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký nhưng chưa giao là 1,574 triệu tấn. Số phải giao từ nay đến 31/5/2020 là 1,385 triệu tấn gạo. Nếu có tới 257 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu như năm 2019, trong khi tổng lượng được xuất khẩu trong tháng 4 theo Quyết định của Bộ Công Thương chỉ là 400.000 tấn, thì với cách điều hành hạn ngạch như hiện nay sẽ có nhiều doanh nghiệp không thể đăng ký tờ khai xuất khẩu được.