Hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Chuyển sang đời sống bình thường mới
Tại TPHCM, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhận định, hoạt động sản xuất dù gặp khó khăn, nhưng vẫn tiếp tục duy trì và sắp tới có cơ hội tăng trở lại.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mặc dù kinh tế TP trong quý 1 chỉ tăng trưởng 0,42% nhưng cũng có các điểm sáng như sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, xuất khẩu vẫn duy trì mức khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách giảm nhưng TP vẫn đóng góp 27% vào tổng thu ngân sách của cả nước.
Căn cứ nguyên tắc chung là thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, nhưng phải đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch COVID-19 trên địa bàn, TP đang từng bước triển khai các giải pháp vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh. TPHCM sẽ lên kế hoạch xây dựng những lộ trình để khôi phục, mở rộng quy mô các hoạt động kinh tế - xã hội, dịch vụ theo hướng tăng dần và trở lại quy mô như cũ sau khi hết dịch COVID-19 - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
“Chúng ta chuyển sang đời sống bình thường mới, gắn với yêu cầu phòng ngừa dịch” - ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ; đồng thời nhấn mạnh, từ đây đến hết ngày 30/4, các ngành, lĩnh vực của TP phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch COVID -19 để dần đưa về trạng thái bình thường.
Ông Lê Thành Liêm - Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM cho biết, TP sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực; qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Đồng hành với doanh nghiệp, UBND TP đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19. Trước mắt, TP thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể như xem xét, kiến nghị việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, hồ sơ khai thuế và hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30/6; khảo sát thực tế doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, qua đó đánh giá chính xác doanh thu khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ giảm thực tế.
Rà soát, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các ngành cần chủ động trong thực hiện “mục tiêu kép”; trong đó, quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công việc, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020.
Tỉnh Cà Mau hiện đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động cụ thể. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng cũng được chú trọng.
Song song đó, cùng với các đơn vị có liên quan tích cực rà soát các đối tượng đã vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để áp dụng các giải pháp hỗ trợ cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…
UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Sở Tài chính rà soát, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, địa phương cũng yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện nhanh, có hiệu quả việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng nhằm thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu…
UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Rà soát thực trạng, nhu cầu nguyên liệu
Theo khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và thương mại đều gặp khó khăn do ảnh hưởng dich bệnh COVID-19. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh giảm, chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể tăng 63%.
Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quí I của Bình Dương vẫn ở mức khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,14% so với cùng kỳ năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,65%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 5.839 triệu USD, tăng 3,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 4.200 triệu USD, tăng 4,3%.
Theo ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, tỉnh đang quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt nhất để cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức, tranh thủ các lợi thế hiện có, nắm bắt cơ hội mới.
Theo đó, các ngành, cấp đang rà soát, nắm tình hình, tổng hợp tất cả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, kịp thời có giải pháp xử lý với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền; đồng thời, báo cáo Trung ương xem xét giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền địa phương.
Bình Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm và các vấn đề khác theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành - Bí thư tỉnh ủy cam kết.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, sở đang chủ trì phối hợp rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào; đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trên địa bàn. Sở Công Thương tiếp tục theo dõi, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế để có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Giải quyết dứt điểm vướng mắc các dự án đầu tư công
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, để chủ động, quyết liệt ứng phó với dịch COVID-19, cùng với tăng cường phòng, chống dịch bệnh; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Theo đó, Bắc Giang tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện các dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành giao kế hoạch vốn chi tiết cho các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm khởi công đối với các dự án khởi công mới năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra.
Các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công đối với 18 dự án khởi công mới năm 2020 chưa khởi công, cũng như các hạng mục của dự án WB8 (Ngân hàng Thế giới); sớm hoàn thành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quyết định đầu tư đối với 3 dự án đã được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công mới năm 2020.
Nếu chủ đầu tư các dự án không giải ngân vốn đầu tư công đúng thời hạn quy định thì sẽ xử lý hành chính, chuyển vốn sang đơn vị khác. Từ nay đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Giang chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn của các dự án đầu tư công trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ những dự án không có khả năng giải ngân, giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân, có nhu cầu bổ sung vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.
Tính đến tháng 3/2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh Bắc Giang quản lý là 6.971 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 1.163 tỷ đồng, bằng 17% kế hoạch. Giá trị giải ngân đạt 875 tỷ đồng, bằng 13% kế hoạch. Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh Bắc Giang có 20 dự án đầu tư công khởi công mới; trong đó, có 1 dự án đang triển khai thi công, 19 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư và hầu hết dự kiến đến cuối quý II/2020 mới có thể khởi công.