Hành trình tái sinh nhựa
Tay vì nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu được nhựa tái chế |
Thị trường đón nhận
Theo số liệu thống kê của World Bank, ước tính Việt Nam có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra trên đất liền mỗi năm, ít nhất 10% trong số rác thải nhựa bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu của các đại dương trên thế giới. Trong khi đó, chỉ 27% rác thải nhựa được các doanh nghiệp thu gom xử lý, nhưng 90% trong số đó được vận chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt, chỉ 10% được tái chế. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nhựa nguyên liệu.
Mạnh dạn khắc phục những thách thức này bằng hành động, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng để đáp ứng nhu cầu xanh hoá của thế giới và đón đầu tiềm năng sử dụng nhựa tái chế ngày càng nhiều tại Việt Nam. Đơn cử, Công ty TNHH LaVie đã ký kết với đối tác chương trình hợp tác chiến lược trong giai đoạn năm 5 với mục tiêu thu gom và tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa giai đoạn từ năm 2023 - 2027. Theo đó, chai nhựa đã qua sử dụng được thu gom về nhà máy, sau đó được phân loại và xử lý, chế biến thành các hạt nhựa tái sinh. Hạt nhựa tái sinh trở thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất chai nhựa mới. Sản phẩm hạt nhựa tái sinh này đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ và EU, Global Recycled Standard và nhiều chứng nhận khác về sản phẩm nhựa dùng trong thực phẩm.
Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, nhựa tái chế của Việt Nam cũng đang phục vụ thị trường xuất khẩu. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, nhựa tái chế của doanh nghiệp đã đạt 15 chứng nhận khác nhau của thế giới về tiêu chuẩn nhựa cho ngành thực phẩm và xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào thị trường Mỹ. Đây là quy trình “ngược” so với quy trình nhập khẩu và sản xuất bao bì nhựa vì trước đây, Việt Nam chỉ nhập nhựa nguyên liệu để chế biến các sản phẩm chai nhựa, bao bì thì nay xuất khẩu ngược sản phẩm nhựa tái chế sang một trong những thị trường khó tính nhất là Mỹ.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam (VWRA), nhựa tái chế xuất khẩu phải đáp ứng nhiều quy định khắt khe. Đơn cử theo yêu cầu từ thị trường Liên minh Châu Âu (EU), một số nhà nhập khẩu yêu cầu trong sản phẩm phải có bao nhiêu phần trăm là nguyên vật liệu tái chế, đặc biệt là ngành nhựa. Nếu doanh nghiệp không có 20% tái chế trong một số sản phẩm nhựa xuất đi EU thì sẽ không được nhập vào nước của họ. Bên cạnh đó, trong các dự thảo của EU, những bao bì tiếp xúc nhạy cảm như chai đựng nước suối, chai đựng thực phẩm... đến năm 2040 thì tỷ lệ tái chế sẽ đến 65%.
“Cân não” giải bài toán khó
Dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng doanh nghiệp tái chế nhựa chia sẻ vẫn gặp một số khó khăn về quy chuẩn cho bao bì nhựa tái chế. Thực tế ở Việt Nam gần như chưa có quy chuẩn nào để áp dụng cho bao bì nhựa tái chế, do đó có doanh nghiệp phải xin chứng nhận đạt tiêu chuẩn ở nước ngoài mới có thể hợp tác với các đơn vị trong nước.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng, thị trường cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù ngành được ủng hộ từ cộng đồng tới chủ trương của nhà nước rất hoan nghênh. Ông Lâm Triều Cường, Tổ trưởng nghiên cứu thí nghiệm, Tập đoàn Thiên Long chia sẻ, câu chuyện của một chiếc bút thân thiện với môi trường vừa có giá cạnh tranh là bài toán vô cùng nan giải. Giá thành một sản phẩm tái chế cao hơn 25-30% so với sản phẩm nhựa thông thường. Giá cao, khách hàng có thể ủng hộ lúc đầu, còn ủng hộ lâu dài thì khó vì ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của họ.
Do đó, đại diện một số doanh nghiệp mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ tốt hơn từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự truyền thông của các cơ quan báo chí. Đồng thời, kiến nghị trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để phát hành một quy chuẩn an toàn thực phẩm hoặc là an toàn cho bao bì làm từ nhựa tái chế, hoặc các vật liệu tái chế, để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm từ nhựa tái chế. Bộ Công thương, các đơn vị có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp tái chế tìm được tiếng nói chung về đơn giá với các sản phẩm tái chế...
Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam khẳng định, việc tái chế là yêu cầu hết sức cấp thiết đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đọc đầy đủ thông tư của Luật Bảo vệ môi trường mới, những quy định về tái chế... Đặc biệt, khi doanh nghiệp tái chế ra sản phẩm thì phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm tái chế đó; các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm tái chế phải đảm bảo quy định về môi trường, đảm bảo về quy định an toàn thực phẩm; có đầy đủ thông tin về đối tác, về thị trường thì mới bắt đầu xây dựng được kế hoạch cho tái chế sản phẩm...