Hãy để doanh nghiệp nhà nước tự do kinh doanh
Cân bằng kỳ vọng để tham gia thị trường vốn quốc tế | |
Đề xuất mua lại cổ phần Nhà nước đã bán ra tại ACV: Nguy cơ nguồn vốn đóng băng | |
Đẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN |
Vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải phù hợp với thông lệ phát triển kinh tế thị trường; Cần xem xét lại vai trò chủ đạo, là lực lượng nòng cốt của DNNN; Những hạn chế yếu kém của thể chế đang bó DNNN. Đây là những thông điệp của nghiên cứu: “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
DNNN “đè nén, đảo lộn”, vai trò chưa nổi bật
Nghiên cứu tổng thể và toàn diện về tái cơ cấu DNNN và tình hình DNNN trong giai đoạn 2011-2020, Báo cáo cho rằng, việc xác định DNNN có vai trò “làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế” cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn.
DNNN có quyền tự chủ, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm |
Thực tế từ năm 2011 đến nay đã chỉ ra, trong số các bộ phận giúp cho kinh tế nhà nước duy trì vai trò chủ đạo trên một số phương diện, thì DNNN không có vai trò nổi bật bằng các bộ phận ngoài DNNN (như hệ thống tài sản công là đất đai, tài nguyên, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hình thành từ nguồn vốn đầu tư nhà nước, hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế, đơn vị sự nghiệp, bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, bộ máy đảm bảo an ninh, quốc phòng và thiết lập môi trường kinh doanh an toàn, ổn định cho các thành phần kinh tế phát triển).
Đồng thời, xét về cơ cấu của kinh tế nhà nước, giá trị vốn nhà nước tại DNNN không còn chiếm tỷ trọng đa số trong tổng giá trị tài sản của kinh tế nhà nước đầu tư vào lĩnh vực kinh tế nếu được định giá đầy đủ theo nguyên tắc thị trường (trước hết là các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý như đất đai, tài nguyên và các tài sản công khác hình thành từ nguồn vốn đầu tư nhà nước không phải tài sản của DNNN). Nói cách khác, DNNN vẫn là một bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước, nhưng có thể không còn cần thiết phải xác định rõ nhiệm vụ của DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” như các giai đoạn phát triển trước đây.
“Có ý kiến cho rằng, việc không xác định DNNN phải trở thành “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” không làm giảm vai trò thực tế của DNNN, nhưng lại phù hợp với năng lực, thực lực và bản chất của DNNN trong giai đoạn phát triển mới ở nước ta”, ông Nguyễn Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu này cũng không đồng tình về việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế và đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia. “DNNN có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý. Chẳng hạn, là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, thì khi giá thị trường lên cao, để bình ổn giá DNNN kìm giá sản phẩm, hàng hóa… “Giá cả cứ bị “ổn định” như vậy là vô lý”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Chương trình Aus4Reform nói. Theo ông, việc cứ phải làm công cụ ổn định vĩ mô như vậy chẳng những DNNN bị “đè nén, đảo lộn” mà tín hiệu thị trường cũng bị sai lệch và DNNN luôn đứng trước nguy cơ bị thua lỗ. Những khoản thua lỗ đó, thực ra cuối cùng cũng là ngân sách phải bù vào và người tiêu dùng phải gánh.
Bên cạnh đó, việc xác định DNNN là công cụ điều tiết kinh tế và dẫn dắt thị trường vừa vượt quá năng lực của DNNN, vừa tạo đặc quyền cho DNNN, gây bất lợi về lâu dài cho công tác điều hành kinh tế. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, với chức năng chủ sở hữu, Nhà nước có quyền giao DNNN và người đại diện vốn nhà nước thực hiện các mục tiêu phục vụ lợi ích của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Với chức năng quản lý nhà nước, việc sử dụng công cụ chính sách tài khóa, chính sách an sinh xã hội và các nguồn lực của quản lý hành chính nhà nước sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với sử dụng công cụ là DNNN.
Phải giao nhiệm vụ khó, đừng giao nhiệm vụ dễ
Đã là DN thì mục tiêu hướng tới là lợi nhuận, tiêu chí đánh giá là hiệu quả kinh tế. Một vấn đề nữa muốn tái cơ cấu DNNN thực sự có hiệu quả và đạt được mục tiêu thì DNNN phải hoạt động theo thị trường. Nhưng nghiên cứu của CIEM và Aus4Reform cho thấy hiện nay cả thể chế lẫn pháp luật vẫn còn đang lúng túng giữa việc trao cho DNNN quyền tự chủ và việc tăng cường giám sát của cơ quan Nhà nước. Thậm chí khi DNNN chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường lại bị can thiệp hành chính quá nhiều làm giảm hiệu lực hiệu quả của DNNN.
“Riêng một quyết định đầu tư của DNNN có đến 6 bước thực hiện, với 9 nhóm cơ quan nhà nước can thiệp vào. Về công tác cán bộ và tiền lương, DNNN bị giới hạn tối đa về tiền lương nên không thu hút được người tài bên ngoài vào”, ông Trung cho biết.
Vì vậy, để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu DNNN, để tái cơ cấu DNNN đạt mục tiêu, có hiệu quả, TS. Cung cho rằng cải cách đầu tiên là buộc DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, để cho DNNN có quyền tự chủ, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
”Đừng khoác cho DNNN chiếc áo chủ đạo, thúc đẩy hay là vài trò hướng dẫn, dẫn dắt nữa. Phải định vị lại vai trò của DNNN. Dùng DNNN làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô là sai vì như thế sẽ làm thị trường méo mó. Cũng đừng can thiệp hành chính vào hoạt động động của DN”, TS. Cung khuyến nghị.
Muốn vậy phải sửa đổi căn bản hệ thống pháp luật về hoạt động của DNNN, trong đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tập trung vào nhiệm vụ giám sát, đánh giá, không nên quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh như phê duyệt dự án, quyết định đầu tư... đồng thời phải đổi mới toàn diện cơ chế giao nhiệm vụ, đánh giá kết quả và xử lý trách nhiệm đối với DNNN. Theo đó, một mặt là tháo bỏ bớt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ ổn định vĩ mô cho DNNN nhưng mặt khác phải đòi hỏi ở DNNN cao hơn, giao nhiệm vụ cao hơn cho DNNN.
“Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ thấp để ai cũng có thể hoàn thành. Bởi giao những nhiệm vụ thấp thì chỉ có “con ông cháu cha” mới vào được DNNN thôi. Và chúng ta đã nhìn thấy thực trạng ấy”, TS. Cung nhấn mạnh.