Hệ thống QTDND từng bước củng cố, phát triển ổn định
Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hệ thống QTDND Hoạt động hệ thống QTDND ngày càng ổn định và phát triển |
Hoạt động QTDND từng bước ổn định
Thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với kinh tế tập thể nói chung và QTDND nói riêng, hoạt động của hệ thống QTDND tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra QTDND đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại. Công tác xử lý các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các quỹ đã và đang triển khai một cách tích cực Đề án tái cơ cấu. Với sự tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các NHNN chi nhánh và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cùng sự vào cuộc của các vụ, cục chức năng, Đề án tái cơ cấu đã từng bước được triển khai hiệu quả, nhiều QTDND đã ổn định và phát triển, hoạt động lành mạnh hơn… Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với các sở, ban, ngành, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được tăng cường.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Qua 5 năm triển khai công tác kiểm tra QTDND, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, về cơ bản, các QTDND chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lý, tuân thủ về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.
Là tỉnh đứng thứ ba toàn quốc về hệ thống QTDND với 71 quỹ, theo chia sẻ của đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương, vấn đề quản trị, điều hành của các QTDND nói riêng luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là NHNN chi nhánh tỉnh. Nhờ đó, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn từng bước lớn mạnh, khẳng định được vai trò của mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ; cùng với hệ thống ngân hàng đã có những đóng góp nhất định, quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Có được kết quả trên, theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú là nhờ nhận diện một cách kịp thời cũng như đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cho một giai đoạn, từng năm, từng quý một cách tích cực và quyết liệt; cũng như tinh thần tập trung xử lý tháo gỡ nhanh những khó khăn, yếu kém đã được quán triệt và các đơn vị trong toàn ngành, nhất là các chi nhánh NHNN tỉnh và thành phố, đã vào cuộc tích cực. Nhờ triển khai quyết liệt mà các giải pháp trên đã phát huy hiệu quả, hoạt động hệ thống QTDND từng bước ổn định, ngăn chặn được đổ vỡ…
Minh chứng cho điều này, trong năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, hoạt động của hệ thống QTDND đạt kết quả tích cực, không có quỹ nào rơi vào tình trạng kiểm soát. Nhiều quỹ được chấn chỉnh, từng bước phát triển, về cơ bản thực hiện tốt các quy định của Luật Các TCTD, Luật Hợp tác xã, các quy định của ngành Ngân hàng. “Dù không chủ quan nhưng ở góc độ hệ thống, QTDND đạt được nhiều kết quả rất tích cực, từng bước được củng cố, phát triển ổn định”, Phó Thống đốc ghi nhận.
Tiếp tục tăng cường giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của hệ thống QTDND như chưa chủ động trong việc rà soát, cập nhật văn bản; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; một số QTDND hạn chế trong quản trị nguồn nhân lực; công tác xử lý pháp nhân của các QTDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến; nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý; thực hiện nhiệm vụ của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đối với QTDND vẫn còn một số nội dung cần lưu ý.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, củng cố các QTDND, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hoạt động QTDND, một số đại biểu đề xuất cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng hoạt động QTDND vì tiềm lực tài chính, khả năng quản trị điều hành cũng như năng lực, trình độ của cán bộ QTDND không thể tương xứng được so với các NHTM;
tiếp tục yêu cầu các QTDND nâng cao chất lượng tài sản, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát tốt chi phí quản lý để giúp cân bằng thu chi trên nguyên tắc hoạt động của QTDND phải bù đắp chi phí và có tích lũy để phát triển; tiếp tục tập trung dành mọi nguồn lực để xây dựng tổng thể các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho QTDND trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng số.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2024 hoạt động của ngành Ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn. Điều hành chính sách tiền tệ vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa ổn định giá trị đồng tiền, vừa nỗ lực hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống, kiểm soát chất lượng tín dụng không để nợ xấu tăng cao. Để giải quyết hài hòa các mục tiêu trên là nhiệm vụ rất nặng nề của ngành Ngân hàng. Theo đó, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của toàn Ngành, trong đó có hệ thống QTDND để đạt được những mục tiêu Đảng và Nhà nước, Chính phủ giao.
Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị thủ trưởng các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành.
Về nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục khẩn trương hoàn thành xử lý các QTDND yếu kém ngay trong năm nay; khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn theo Luật Các TCTD (sửa đổi); tổ chức tập huấn góp phần giúp các địa phương, các QTDND nắm được để thực hiện nghiêm túc. Định kỳ tối thiểu 1 quý hoặc 6 tháng/lần phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức hội nghị chuyên đề về QTDND trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh các QTDND tiềm ẩn rủi ro, sai phạm.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. NHNN tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra giám sát theo chương trình hàng năm. Mục tiêu của các đợt thanh tra, kiểm tra là nhằm phát hiện ra các rủi ro để các QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm.
Đối với hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Phó Thống đốc cũng khẳng định, đây là chủ trương, nhiệm vụ được giao, do đó tất cả các bên cần thực hiện. Thời gian tới, hoạt động kiểm tra sẽ theo hướng ngày càng mở rộng, số lượng sẽ nhiều hơn. Các QTDND cần có trách nhiệm phối hợp thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm tra… Phó Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa, đầu tư đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện đại, tăng cường hơn nữa vai trò liên kết hệ thống, điều hòa vốn, trung tâm thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kiểm tra, giám sát an toàn của hệ thống QTDND, tham gia hỗ trợ, xử lý QTDND yếu kém...