Hiểu đúng về cơ chế lương mới sau cải cách
Bậc lương không biến mất
Chính sách tiền lương được nêu ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW là căn cứ quan trọng để thiết kế bảng lương mới.
Điểm lưu ý đầu tiên, khi cải cách là bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay để xây dựng bảng lương cơ bản bằng số tiền cụ thể. Bỏ hệ số lương có thể hiểu là không còn quy định lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo công thức đang hiện hành có một trong hai yếu tố là hệ số lương.
Dù vậy, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được giữ lại bậc lương trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức không giữ chức danh lãnh đạo khi bản lương mới được xây dựng.
Bỏ hệ số lương thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ được mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 lên 1 - 2,68 - 12. Tức là, bậc 1 (bậc lương khi lần đầu được tuyển chọn từ 2,34 được nâng lên 2,68. Người đang giữ bậc lương cao nhất là 10 sẽ được nâng lên 12, tương đương mức lương bậc 3 của chuyên gia cao cấp (tương đương lương Bộ trưởng).
Vậy nên, có hiểu là bỏ hệ số lương nhưng vẫn có bậc lương khi cải cách nghĩa là với bảng lương mới, cán bộ, công chức, viên chức vẫn sẽ được hưởng bảng lương với nhiều bậc nhưng với mỗi bậc, thay vì tính lương theo hệ số x mức lương cơ sở thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng lương bằng số tiền cụ thể.
Nhiều thay đổi trong tiền lương sau khi cải cách |
Bảng lương mới với nhiều bậc lương được dựng lên theo nguyên tắc:
- Đối tượng có cùng mức độ phức tạp của công việc thì hưởng mức lương như nhau.
- Đối tượng nào có điều kiện lao động cao hơn bình thường thì sẽ được hưởng thêm chế độ phụ cấp theo nghề.
Như vậy, cấu trúc thu nhập của công chức, viên chức sẽ dựa trên công thức:
Thu nhập = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có - không nằm trong phụ cấp)
Chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng. Theo tính toán từ Chính phủ, tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi tiến hành cải cách tiền lương cao hơn 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, tức khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.
Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm từ năm 2025. Nghĩa là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Vẫn còn những băn khoăn
Hiện tại, chính sách về cải cách tiền lương vẫn đang ở bước dự thảo, xây dựng văn bản, do vậy vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ để xác định được thang, bảng lương và mức lương của mỗi ngành nghề.
Nhiều công chức, viên chức đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục cũng lo ngại khi lương thâm niên không còn được quy định rõ ràng trong dự thảo. Mặc dù Chính phủ đã khẳng định thực hiện chính sách sẽ là lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ, nhưng nhiều người lao động trong ngành giáo dục vẫn lo lắng rằng tiền lương, tiền thâm niên bị cắt, liệu thu nhập không đảm bảo bằng mức cũ.
Tiền lương thay đổi cũng ảnh hưởng đến các chế độ bảo hiểm, an sinh xã hội của người dân. Cải cách tiền lương đồng nghĩa với việc không còn còn lương cơ sở, nên sẽ tiến hành sử dụng mức tham chiếu để thay đổi mức lương cơ sở và làm căn cứ để xác định mức hưởng lương hưu. Tuy nhiên, tương tự như câu chuyện lương thâm niên, đây vẫn chỉ là dự thảo. Rõ ràng, tâm trạng chung của người lao động chịu tác động trong đợt cải cách tiền lương sắp tới đang rất mong chờ các văn bản hướng dẫn chính thức từ Chính phủ khi đợt cải cách ngày càng đến gần.
Ngoài ra, lương cao hơn thì vẫn luôn đồng nghĩa với câu chuyện muôn thuở là tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao, “té nước” theo lương. Điều này khiến người lao động mừng ít, lo nhiều dù ai cũng mong muốn có thể sống được bằng chính đồng lương của mình. Với người lao động nói chung, công chức, viên chức trong khu vực công nói riêng, việc tăng lương đi liền với kiểm soát giá cả luôn là cơ sở giúp họ bảo đảm cuộc sống của bản thân. Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả hàng hóa, qua đó giúp người dân hưởng trọn vẹn niềm vui khi cải cách tiền lương.