Tăng ưu đãi tài chính để thực hiện tái chế rác thải
Cần tạo thói quen sử dụng bao bì tài chế Thu gom, tái chế hơn 17.000 tấn bao bì |
Giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Vì vậy, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thúc đẩy những giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ sẵn sàng thực hiện chính sách EPR. Kết quả cho thấy, 93,55% doanh nghiệp có nhận thức ban đầu và đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng...
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong khi các loại rác thải giá trị cao như chai nhựa, giấy bìa các tông, sắt thép đã có thị trường tái chế ổn định, thì các loại rác thải giá trị thấp lại ít được doanh nghiệp quan tâm do chi phí tái chế cao, giá trị thu hồi thấp, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công nghệ mới, thậm chí phải bù lỗ để tái chế những loại rác này.
Ông Hùng nhìn nhận, thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ…
Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân đánh giá, EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao. Hiện mỗi ngày, Duy Tân thu gom khoảng 180 tấn rác thải nhựa để tái chế. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.
Từ thực tế của đơn vị đang áp dụng EPR, ông Bùi Khánh Nguyên, Phó tổng giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca-Cola Việt Nam cho biết, để thu gom vật liệu theo đúng yêu cầu, phải có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ thu gom không chính thức. Ngoài ra, việc thu gom và tái chế cũng cần có quy trình rõ ràng để mỗi chai nhựa, bao bì sản phẩm bán ra sẽ được thu lại tái chế nhưng không làm tăng giá thành sản phẩm. Thách thức với các doanh nghiệp làm sao đảm bảo việc tái chế không gây hại ra môi trường nhưng vẫn không tạo sức ép lên người tiêu dùng. Đây là bài toán khó.
Tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện EPR
Theo ông Phan Tuấn Hùng, hiện nay chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải. Vì vậy tham gia thực hiện cơ chế EPR, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đặc biệt khi đầu tư vào công nghệ, phát triển các giải pháp tái chế cho loại rác thải giá trị thấp bằng các ưu đãi tài chính. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong việc xử lý và chôn lấp rác thải.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế Việt Nam, ông Trần Thanh Nam, trưởng phòng tín dụng của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho hay, quỹ sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất ưu đãi, tài trợ và hỗ trợ lãi suất cho các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch, tái chế… với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay là 2,6%. Thời gian vay tối đa 10 năm, với mức vay tối đa 80% tổng mức đầu tư. Mức vay tối đa là 36,6 tỷ đồng cho mỗi dự án và không quá 73,2 tỷ đồng cho mỗi chủ đầu tư.
Để đạt được mục tiêu tái chế bền vững, TS. Hồ Quốc Thông, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á gợi ý, Chính phủ cần cân nhắc đồng bộ các công cụ hành vi như truyền thông hay sự tham gia của người nổi tiếng thúc đẩy các sáng kiến môi trường hay nâng cao nhận thức. Nỗ lực của Chính phủ cùng với những người có ảnh hưởng trong xã hội cần được nhân rộng hướng tới những sản phẩm, dịch vụ và nhà sản xuất có trách nhiệm môi trường. Tuy nhiên, hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh và sản phẩm tái chế cần đảm bảo tính khoa học và khách quan. Theo ông Thông, khi đánh giá hoạt động tái chế nói riêng hay một chính sách môi trường, cần đo lường tác động một cách toàn diện để có cơ sở cho các chính sách trong tương lai. Chính sách tái chế bền vững giúp cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hay ý thức cộng đồng cho xã hội. Rộng hơn, một chính sách môi trường tốt còn tạo ra niềm tin của cộng đồng đối với Chính phủ.