Hiệu quả tín dụng ưu đãi ở vùng ven đô Hà Nội
Quyết liệt triển khai “bốn mươi”
Theo ông Nguyễn Tất Thắng – Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, triển khai Chỉ thị 40, huyện ủy Đan Phượng đã quán triệt các cấp ủy, chỉ đạo chính quyền, mặt trận tổ quốc, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Cụ thể, ngay sau khi có Chỉ thị 40, trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 21, UBND huyện xây dựng kế hoạch quán triệt tới mặt trận tổ quốc và các hội đoàn thể cùng với Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất.
Cùng với thực hiện Chỉ thị 40 thì trong 5 năm qua cũng là thời gian huyện Đan Phượng đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm triển khai chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và hai nhiệm vụ này đã hỗ trợ nhau rất tốt. Bởi khi làm tốt tín dụng chính sách xã hội thì nguồn vốn này giúp người dân sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống, đáp ứng các tiêu chí về nông thôn mới. Sau khi được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, nay Đan Phượng tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn ngân hàng nói chung và tín dụng ưu đãi vẫn mang ý nghĩa rất quan trọng.
Cán bộ NHCSXH Đan Phượng và Hội đoàn thể thăm mô hình trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Cường, xã Song Phượng |
Những điểm nhấn giúp triển khai có hiệu quả Chỉ thị 40, theo ông Thắng là phải tập trung huy động nguồn lực ủy thác vốn cho NHCSXH; Chỉ đạo kiện toàn Ban Đại diện HĐQT, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các xã tham gia trong Ban này để nắm sát tình hình địa phương, cho vay vốn đúng đối tượng; UBND huyện chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ưu tiên công tác đào tạo nghề cho khu vực nông thôn để khi nông dân tiếp cận được nguồn vốn sẽ biết cách sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Ngoài ra, để tín dụng chính sách xã hội mang lại hiệu quả không thể không kể đến việc kiện toàn các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Với 248 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ở tất cả các xã, luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn; hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật, làm tốt công tác tuyên truyền. Một con số thể hiện sự hiệu quả trong triển khai Chỉ thị 40 trên địa bàn huyện Đan Phượng là sau 5 năm giúp cho hơn 5.000 lượt hộ thoát nghèo và không có nợ quá hạn.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, ông Nguyễn Văn Cường, xã Song Phượng phát triển mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Nâng cao chất lượng nông thôn mới
Để phản ánh rõ nét hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi về xã Song Phượng - xã kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới và được nhiều đoàn từ Bắc đến Nam về học hỏi.
Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, chúng tôi rất vinh dự là xã được thành phố chọn làm nông thôn mới điển hình và đến nay rất thành công. Trong đó, tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng với xây dựng nông thôn mới. Để đạt được tiêu chí này, sự hỗ trợ từ nguồn vốn NHCSXH là không hề nhỏ.
Theo ông Hoàn, ngoài các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo giúp người dân có vốn để trồng trọt chăn nuôi thì các chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên cũng rất thiết thực, giúp nâng cao đời sống người dân.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tại xã Song Phượng đạt hơn 16 tỷ đồng. Đến nay, ngoài các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hộ gia đình, nguồn vốn của ngân hàng còn thúc đẩy hình thành các dự án chuyên canh cây ăn quả, dự án chăn nuôi do các hội đoàn thể đứng lên tập hợp, kết nối.
Đơn cử như ở thôn Thượng Thuận, xã Song Phượng nhiều gia đình đã chọn mô hình trồng cây ăn quả để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhờ sự hỗ trợ vốn ưu đãi của NHCSXH. Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng cho biết, năm 2016 gia đình ông được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để phát triển vườn cây ăn quả. Qua nhiều lần mở rộng diện tích, đến nay gia đình ông Cường đang sở hữu 4 sào bưởi Diễn với hơn 100 gốc. Xen giữa vườn bưởi ông còn trồng thêm ổi, mít và đào ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo đánh giá của các hội đoàn thể huyện Đan Phượng, qua triển khai cho vay vốn ưu đãi, giúp cho huyện có bước phát triển tích cực về kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay chỉ còn 1,22% nhưng số thực sự nghèo mà có khả năng thoát nghèo và không thuộc đối tượng chính sách chỉ còn 0,67%. Từ khi có tín dụng ưu đãi, trật tự an toàn xã hội ngày một tốt lên, tình cảm gắn bó giữa hội viên, tổ chức chính trị xã hội mật thiết hơn, đời sống người dân cải thiện.
Ông Nguyễn Hữu Bằng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đan Phượng cho biết, xác định tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp quan trọng góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của phòng giao dịch NHCSXH. Hàng năm huyện trích ngân sách huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn ủy thác của huyện sang NHCSXH là hơn 4 tỷ đồng, cấp 930 m2 đất để xây dựng trụ sở làm việc; Chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ trang thiết bị, bố trí điểm giao dịch cho hoạt động giao dịch lưu động của NHCSXH huyện, đảm bảo an toàn, đúng quy định.
Bên cạnh đó, các tổ chức hội đoàn thể đã luôn quan tâm hơn đối với hoạt động của NHCSXH huyện, tích cực chỉ đạo Hội đoàn thể cấp xã, thị trấn phối hợp với NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn, thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác và hoạt động của Tổ TK&VV. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt hơn 279 tỷ đồng và 8.931 hộ vay vốn. Công tác cho vay, thu nợ thu lãi chủ yếu được ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội thông qua 248 Tổ TK&VV và được triển khai ở các điểm giao dịch cố định đặt tại 16 xã, thị trấn. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.