Hộ kinh doanh cá thể chật vật trong cơn bão dịch
Theo UBND TP. Hà Nội, trong những ngày đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng và tại một số bệnh viện lớn. Thành phố Hà Nội đã yêu cầu giải tỏa chợ tạm, chợ cóc, tạm dừng các quán ăn, uống đường phố... để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 289.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Làn sóng thứ 4 của dịch Covid thậm chí đã khiến nhiều hộ kinh doanh cá thể thua lỗ, đóng cửa và lâm vào cảnh nợ nần. Mở ki-ốt bán các loại mặt hàng tại chợ Cống Vị (Ba Đình), chị Nguyễn Thanh Thảo ngán ngẩm vì dịch bệnh khiến cho lượng khách hàng giảm sút, kinh doanh ế ẩm trong khi vẫn phải duy trì hoạt động. Hiện tại sức mua nói chung tại chợ đã giảm hơn 80% so với thời điểm bình thường và một số ki-ốt đã tạm dừng hoạt động. “Tôi và các hộ kinh doanh tại đây chỉ mong hết dịch và mọi hoạt động trở lại bình thường. Bên cạnh đó mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn để ổn định cuộc sống”, chị Thanh Thảo cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Trần Mạnh Thắng, chủ hộ kinh doanh văn phòng phẩm trên đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy) chia sẻ, từ hồi có dịch bệnh, doanh số bán hàng liên tục sụt giảm. Tất cả vốn liếng của gia đình tập trung đầu tư hết vào cửa hàng nên dù khó khăn, anh vẫn phải duy trì. Đối với nhiều dịch vụ, mặt hàng khác như ăn uống, thời trang còn buôn bán online được, nhưng với các mặt hàng văn phòng phẩm thì kinh doanh online thực sự khó khăn. Anh Thắng than thở, doanh thu giảm sút trong khi vẫn phải gánh nhiều chi phí khác, nếu cứ kéo dài tình trạng này cũng không biết còn có thể cầm cự được bao lâu.
Những năm gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mọc lên khắp nơi, người dân có xu hướng chuyển qua mua sắm tại những nơi này dẫn đến việc kinh doanh của các khu chợ truyền thống giảm sút. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 đã khiến phần lớn người dân chuyển qua mua sắm trực tuyến hoặc đến các siêu thị mua đồ khiến cho hoạt động chợ truyền thống nhiều lúc bị tê liệt. Tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể càng lâm vào tình trạng đìu hiu hơn. Theo thống kê của Cục Thuế TP. Hà Nội, trong các tháng đầu năm 2021, toàn thành phố có 7.919 hộ kinh doanh đã nghỉ hẳn, 62.772 lượt hộ kinh doanh tạm nghỉ. Riêng tháng 5 và 6/2021, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của thành phố, đã có 13.285 hộ kinh doanh với số lao động khoảng 20.290 người bị ảnh hưởng phải tạm nghỉ hoặc bị hạn chế kinh doanh.
Trên thực tế, các hộ kinh doanh cá thể với bản chất là quy mô vốn nhỏ, kinh tế hộ gia đình nên dễ bị tổn thương khi có biến động thị trường. Các tiêu chí quá chặt chẽ về miễn giảm thuế, phí thời gian qua cũng khiến họ khó tiếp cận được sự hỗ trợ. Chính bởi vậy trong bối cảnh hiện nay, hỗ trợ thiết thực nhất đối với họ là các chính sách về thuế, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ngân hàng và giảm bớt các thủ tục hành chính…
Để tháo gỡ những khó khăn, thời gian qua, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid thời gian qua. Trong đó, ngành Ngân hàng đã vào cuộc thực hiện các chính sách về giảm, giãn nợ cho các đối tượng là DNNVV và các hộ kinh doanh. Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đề nghị giải quyết miễn, giảm thuế kịp thời, đúng quy định pháp luật thuế đối với các hộ kinh doanh ngừng/nghỉ kinh doanh hoặc bị ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19…