Hỗ trợ doanh nghiệp: Cái khó là thiếu đơn hàng
Bất cập chính sách đè nặng doanh nghiệp, cơ quan quản lý Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh Sứ mệnh đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp |
Vượt lên nghịch cảnh
Giữa muôn vàn câu chuyện giảm đơn hàng, thua lỗ, gặp khó khăn thì đâu đó vẫn có tín hiệu vui từ cộng đồng doanh nghiệp.
Sau 2 năm chật vật, Công ty CP Ánh Dương với thương hiệu taxi Vinasun đã có lãi trở lại. Theo đó, hiện khách hàng có xu hướng quay trở lại với taxi truyền thống khi họ có thể gọi xe nhanh (thậm chí nhanh hơn taxi công nghệ), giá cước chấp nhận được và không bị tăng cao trong những khung giờ cao điểm. Bản thân doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư chất lượng ứng dụng dịch vụ gọi xe; hoàn thiện đầy đủ các chức năng trả trước, trả ngay trên ứng dụng tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc đặt xe và thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, lượng đặt xe qua ứng dụng năm qua đã tăng trưởng đột biến, từ bình quân 2.691 lượt/ngày lên 17.022 lượt/ngày.
Và đó chỉ là một trong khá nhiều điểm sáng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương, đến nay tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động.
Doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh phù hợp |
Cụ thể, hiện đã có 3 dự án đi vào hoạt động ổn định và hàng năm có lãi, 2 dự án giảm lỗ lũy kế, một số dự án khác đang được triển khai phương án xử lý. Là một trong 12 dự án yếu kém phải tạm dừng sản xuất, dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (DTY) thuộc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) đã tận dụng cơ hội từ thị trường và có nhiều nỗ lực, nhà máy đã vận hành trở lại, từng bước thoát khó, có doanh thu và lợi nhuận. Hiện dự án đã vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, kết quả sản xuất DTY năm 2022 ước khoảng 10.314 tấn sợi các loại, đạt 100% so với kế hoạch năm 2022 điều chỉnh; tổng doanh thu ước khoảng 219 tỷ đồng (đạt 100% so với kế hoạch điều chỉnh). Lợi nhuận trước định phí ước khoảng 30,58 tỷ đồng, vượt 84% so với năm 2021.
Cần hỗ trợ đúng, trúng và kịp thời
Dẫu có những tin vui, nhưng Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49,9 nghìn (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước); có 20,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 39,9%) và 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 10,1%). Bình quân một tháng có trên 19 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong số doanh nghiệp còn hoạt động, khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) phối hợp cùng VnExpress thực hiện mới đây cũng cho thấy, 82% doanh nghiệp được khảo sát cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay. Trong số doanh nghiệp còn hoạt động, có hơn 71% muốn giảm trên 5% lao động, trong đó, 22% tính giảm hơn một nửa; gần 81% đơn vị nói sẽ giảm doanh thu trên 5%, trong số, tỷ lệ giảm trên 50% là 29,4%.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Mới đây, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Nam thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã được thành lập với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm 2023 việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp phải được xem như là một “chiến dịch”, khi tổ công tác vào cuộc phải thực hiện theo cách “đặc biệt”, giải quyết nhanh gọn, trực tiếp, không thủ tục rườm rà, hiệu quả thể hiện rõ qua phần việc được giải quyết…
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, ngành Ngân hàng đã đồng lòng vào cuộc. Mới đây, NHNN Việt Nam đã lần thứ ba hạ lãi suất điều hành, các NHTM cũng nhanh chóng áp dụng mức lãi suất huy động thấp hơn, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cái khó hiện nay của doanh nghiệp là thiếu đơn hàng sản xuất.
Ngoài ra, một chuyên gia phân tích, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp là thiếu chiến lược phát triển rõ ràng, thiếu năng lực quản lý nên bị bất ngờ trước những biến động. Do đó, chủ doanh nghiệp cần xem xét và xác định lại chiến lược dựa trên mục tiêu, tầm nhìn và giá trị cốt lõi; tận dụng cơ hội từ thị trường và chính sách mới để có kế hoạch kinh doanh phù hợp; quan tâm đến việc đào tạo và phát triển nhân viên; việc áp dụng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý trong doanh nghiệp là điều cần thiết phải làm… để doanh nghiệp đi đúng hướng, vượt qua khó khăn.