Bất cập chính sách đè nặng doanh nghiệp, cơ quan quản lý
Cần tiếp tục giảm thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp Hơn 14.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nửa cuối tháng 5 Bộ Xây dựng đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp, dự án lớn |
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.
Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 (Báo cáo) của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, khả năng dự đoán sự thay đổi của quy định pháp luật có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. doanh nghiệp có khả năng dự đoán tốt hơn thì kết quả kinh doanh tốt hơn, song con số tỷ lệ các doanh nghiệp có khả năng thường xuyên và luôn luôn dự đoán được sự thay đổi của quy định pháp luật lại khá thấp chỉ vài phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ không lường đoán được tại các doanh nghiệp có lợi nhuận lớn cũng lên tới 34% và con số này ở các doanh nghiệp thua lỗ lớn lên tới 48%.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh,Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra: trong rủi ro pháp lý rủi ro đến từ chất lượng văn bản còn lớn hơn nhiều so với sự thay đổi liên tục. Bà cho biết văn bản quy định không biết thực hiện như thế nào cho đúng là tình trạng đáng lo ngại hiện nay. Bất cập chính sách không chỉ đang đè nặng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước.
Thực trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên…) tồn tại từ lâu đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 luật (năm 2022); đồng thời sửa đổi, bổ sung tương ứng hàng loạt các Nghị định liên quan. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung chủ yếu giải quyết một số vướng mắc trong phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, đầu tư bằng vốn ODA, một số dự án PPP, dự án xây dựng nhà ở và đô thị; giải quyết một phần vướng mắc về quyền sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại, đô thị… “Những vướng mắc cốt lõi tồn tại từ nhiều năm trước đây cơ bản vẫn còn nguyên và thậm chí chưa có phương án giải quyết”, bà Thảo nhấn mạnh.
Hay như nhìn cải thiện môi trường kinh doanh từ góc độ ngành nghề, hiện chỉ có 227 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng khi rà soát các văn bản pháp lý về ngành nghề đầu tư kinh doanh thực tế, bà Thảo cho biết, có rất nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành. Thậm chí có lĩnh vực lên gấp 3 lần so với trong danh mục. Như vậy thực chất chỉ là giảm về mặt hình thức. Chưa kể vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học, tạo ra các rủi ro cho doanh nghiệp khi phải thực hiện chế tài.
Đơn cử như Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Với quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt (áp dụng từ 15/3/2017) và bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15/3/2018) không chỉ làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế mà còn dẫn đến nguy cơ thừa i-ốt cho một bộ phận người dân. Có doanh nghiệp chế biến thực phẩm mỗi năm chi phí tăng thêm hơn 39 tỷ đồng do quy định này. Bất cập chính sách này khiến nhiều doanh nghiệp không thể điều chỉnh lịch sản xuất giữa nội địa và xuất khẩu, không thể gánh được chi phí gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu và buộc phải hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu sang một số thị trường. Các Hiệp hội đã liên tục có nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Y tế tuy vậy đã 6 năm trôi qua, bất cập vẫn tồn tại và làm trầm trọng thêm những khó khăn, nhất là trong giai đoạn nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh.
Một bấp cập khác được nhiều chuyên gia chỉ ra là tính liên ngành chưa có sự thay đổi nhiều năm từ 2015 đến nay, như lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này – "Vấn đề là các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó, không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC).
Pháp luật Việt Nam có nguyên tắc không hồi tố theo Điều 152 của Luật Ban hành VBQPPL 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020). Nhưng quy định không hồi tố này mới chỉ áp dụng với sự thay đổi “trách nhiệm pháp lý” mà không áp dụng với sự thay đổi “quyền và nghĩa vụ”. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp, pháp luật sự thay đổi quyền và nghĩa vụ, sau đó mới gián tiếp dẫn đến sự thay đổi trách nhiệm pháp lý. Ví dụ, pháp luật thay đổi quy chuẩn kỹ thuật của nước thải dẫn đến thay đổi về nghĩa vụ của chủ nguồn thải. Nếu hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp không đáp ứng được quy chuẩn mới thì sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý. "Đó là rủi ro pháp lý lớn cho doanh nghiệp" bà Thảo chỉ ra.
Môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của Chính phủ thông qua thúc đẩy các nỗ lực cải cách, tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh.