Họa sĩ Mai Long: Một tài hoa tranh lụa
Nhắc tới họa sĩ Mai Long, nhiều người nhớ tới những bức tranh lụa đẫm chất thơ, trong trẻo và cuốn hút. Ở đó, phong cảnh vùng miền hiện lên dung dị mà cuốn hút. Ở đó, những chân dung phụ nữ hiện ra hồn hậu, duyên dáng. Những tác phẩm tranh lụa của ông, dù vẽ chân dung hay phong cảnh, cho thấy một bút pháp điêu luyện, vừa trữ tình vừa phóng khoáng. Tài năng kết hợp sự kiên trì rèn luyện, học hỏi, nắm chắc những kỹ năng vẽ trên lụa khiến tác phẩm hội họa của họa sĩ Mai Long có nét riêng, không lẫn với nhiều họa sĩ cùng chọn lụa làm chất liệu thể hiện. Tranh lụa Mai Long, cho thấy sự tài hoa của người nghệ sĩ.
Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc ở Nam Định. Ông qua đời tại Hà Nội hôm 21/7/2024. Là một trong số 21 học viên của khóa Mỹ thuật Kháng chiến (1950-1953) do họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo, họa sĩ Mai Long cùng với lớp họa sĩ như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu...
Họa sĩ Mai Long bên bức tranh lụa |
Khi hòa bình lập lại, Mai Long tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ngay từ năm 1963, khi còn đang trên giảng đường đại học, ông đã được đạo diễn Trương Qua mời tham gia vẽ cho bộ phim hoạt họa “Đêm trăng rằm”. Mai Long cũng là họa sĩ chính thực hiện bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam “Bài ca trên vách núi”. Thời gian công tác tại Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam, Mai Long dần khẳng định và trở thành một trong không nhiều họa sĩ hàng đầu của phim hoạt họa. Ông được coi là thế hệ tiên phong cho thể loại phim hoạt hình của Điện ảnh Việt Nam, cùng với NSND Lê Minh Hiền, NSND Trương Qua, NSƯT Hồ Quảng… Mai Long còn để lại dấu ấn nghề nghiệp của mình qua nhiều tác phẩm tranh minh họa vẽ theo “đơn đặt hàng” của các nhà xuất bản. Đó là những câu truyện dân gian, lịch sử, khi Mai Long vẽ tranh minh họa đã đến với bạn đọc một khuôn diện mới, sức hấp dẫn mới. Có thể kể đến các cuốn tranh truyện như “Âu Cơ - Lạc Long Quân”, “Chuyện ông Gióng”, “Tấm Cám”, “Sơn Tinh Thủy Tinh”… do Mai Long vẽ tranh, NXB Kim Đồng ấn hành, đã gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ.
Không phải ngay từ đầu họa sĩ Mai Long đã “phải lòng” tranh lụa. Ban đầu, ông cũng như nhiều họa sĩ khác đã thử sức qua nhiều chất liệu, từ phấn màu, sơn dầu, sơn mài, sơn khắc… Sau đó, khi thử sức với chất liệu lụa, Mai Long thấy có nhiều nét phù hợp với tạng tính của mình. Năm 2019, trong lần triển lãm cùng họa sĩ Trương Văn Ý tại Nhà triển lãm Chọn trên phố Hàm Long (Hà Nội), họa sĩ Mai Long đã bộc bạch: “Tính cách, tâm thế của tôi rất hợp với tranh lụa. Bản chất nghệ thuật của tôi là sự tưởng tượng lãng mạn trong tranh. Lụa tạo ra sự lan tỏa, màu sắc huyền ảo, làm cho những chủ đề tôi khai thác đi được đúng hướng và có hiệu quả cao”.
Tranh lụa vốn kén người, không phải ai cũng “chinh phục” được lụa, và cũng không phải ai cũng kiên trì được với lụa. Trong hội họa Việt Nam, nhiều người đã từng thử sức với tranh lụa, và có những người đã “buông bỏ”. Nhưng Mai Long đã để lại dấu ấn đậm nét của mình ở tranh lụa, để bây giờ, nhắc đến ông, người ta nhớ tới một phong cách, và tranh lụa, cũng tạo nên một con đường có dấu ấn sâu đậm của họa sĩ Mai Long.
Sinh thời, họa sĩ Mai Long kể rằng, ông tìm thấy mình trong tranh lụa, bởi tranh lụa có nhiều đặc tính phù hợp với tâm hồn trong việc diễn tả sự lãng mạn, sự bay bổng cũng như trí tưởng tượng của mình. “Tôi quan niệm nghệ thuật tạo ra cho cuộc sống sự bình thản, nhẹ nhàng nhất. Phần lớn tranh của tôi đi vào miêu tả những điều êm đềm nhẹ nhàng và vào lụa rất thích hợp”, họa sĩ từng chia sẻ.
Xem tranh lụa Mai Long, thấy rõ chất thơ, sự mềm mại của người làm nghề điêu luyện trong từng tác phẩm. Trong tranh lụa của Mai Long, một Việt Nam trong lành, thuần khiết hiện lên bình yên, có sức cuốn hút mê hoặc. Đó có thể là một vùng non cao Tây Bắc, hay cây đa bến nước làng quê xứ Bắc… Đứng trước tranh lụa của Mai Long, dường như mỗi người sẽ tìm được một cảm giác về sự bình yên, thư thái, tự tại tận sâu trong tâm hồn mình. Tất nhiên, Mai Long không phải là người vẽ lại cái hiện thực mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy. Tranh ông là sự hội tụ của hiện thực và trí tưởng tưởng bay bổng. Hay nói cách khác, nó thể hiện góc nhìn của riêng ông - một tâm hồn nghệ sĩ.
Trong các chất liệu của hội họa, tranh lụa luôn là một chất liệu khó làm. Có lẽ bởi thế, hiện ít họa sĩ trẻ dấn thân vào tranh lụa. Nó đòi hỏi kỹ năng diễn tả từ hình họa cho đến làm màu trong tranh. Với họa sĩ Mai Long, vẽ tranh lụa khác với vẽ trên lụa. Thường thì người ta có thói quen vẽ ngay trên lụa khô, khi lụa còn hồ. Thậm chí người ta còn quét lên tấm lụa một lớp nước cơm loãng để khi vẽ không bị nhòe. Ông lại làm ngược lại, là luôn ngâm lụa trước, vắt kỹ cho hết hồ, sau đó là lại, nhúng nước rồi mới bắt đầu vẽ.
Họa sĩ Mai Long cho rằng, một cái hay nữa của lụa là có độ thấm, độ sâu. Khi vẽ từng lớp, để khô, rửa đi vẽ lớp màu khác lên, rồi tiếp tục hàng chục lần như vậy thì nó ruộm lên từng lớp từng lớp, khác hẳn với màu pha ở bên ngoài rồi vẽ trực tiếp lên nhìn rất nông cạn. Hoặc ngay cả khâu bồi cuối cùng, nếu không làm kỹ tranh lụa cũng dễ bị mốc. Hồ quấy ra người ta phải để hàng tháng cho vữa ra, có độ kết dính nhưng phải tinh khiết không còn tinh bột mới dùng bồi được...
Tranh lụa của họa sĩ Mai Long đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới và được công chúng đón nhận chân thành. Quả thực, khi xem tranh Mai Long, đằng sau những bảng lảng, mơ màng dường như đều thấy bật lên chân dung con người Việt Nam bình dị, thân thiện và gần gũi. Ở chất liệu mang tính dân tộc này, Mai Long đã tìm được đường đi riêng và đã tạo dựng một chỗ đứng nghề nghiệp riêng. Qua tranh lụa, người ta nhận ra nét tài hoa của họa sĩ Mai Long…
Nhà phê bình nghệ thuật - Ekaterina Chelaeva (Liên Xô cũ) từng nhận định: "Dưới con mắt họa sĩ Mai Long, mọi cái đều có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà những trái tim băng giá không bao giờ cảm nhận được. Những sáng tác của ông là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của một nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng. Vẻ đẹp của thế giới xung quanh và tình yêu của Mai Long đối với thế giới này, đó chính là bản chất nghệ thuật của ông".