Tranh lụa từ truyền thống đến hiện đại
Đến gần hơn với công chúng
Nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã diễn ra Triển lãm tranh lụa với chủ đề “Lụa - Truyền thống và hiện đại” (kéo dài đến hết ngày 4/12/2017). Triển lãm lần này giới thiệu đến công chúng yêu thích nghệ thuật 26 tác phẩm tranh lụa đặc sắc của 11 họa sĩ đến từ TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh thành khu vực phía Bắc.
Họa sĩ Nguyễn Việt Anh giới thiệu đến các bạn trẻ những nét đặc sắc của tranh lụa |
Tranh lụa là thể loại tranh nghệ thuật độc đáo, luôn mang lại cho người xem cảm giác trong trẻo, mềm mại, thanh thoát và đậm chất Á Đông. Tranh lụa đã trải qua những bước thăng trầm trong quá trình phát triển và đã có sự đổi mới và khẳng định được chỗ đứng trong nền nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà số lượng tranh lụa ở Việt Nam ngày càng ít dần đi.
Vì thế, việc tổ chức triển lãm tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Triển lãm không chỉ thu hút sự quan tâm, chú ý của các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia, nhà thơ, nhà văn… mà còn nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách và các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật.
Đây cũng là dịp để những họa sĩ có thể giới thiệu và giao lưu về cách vẽ tranh lụa, các chất liệu sử dụng cũng như sự khác biệt của tranh lụa truyền thống và hiện đại đến với những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Một minh chứng rõ nhất, khi tham gia triển lãm lần này, những bức tranh lụa hiện đại được các họa sĩ trẻ sử dụng nhiều cách làm mới để đáp ứng thị hiếu của người xem.
Không chỉ đề tài rộng hơn, màu sắc tinh tế hơn mà họ còn sử dụng các mảng miếng để vẽ và có những cách xử lý bề mặt tạo nên những bức tranh không chỉ mềm mại mà còn có chiều sâu nghệ thuật để truyền tải thông điệp cho người xem.
Họa sĩ Nguyễn Việt Anh, Giảng viên Mỹ thuật trường Đại học Hải Phòng, một trong những họa sĩ tham gia triển lãm tranh lần này đã chia sẻ. Triển lãm còn thực hiện tốt vai trò bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của đất nước. Đồng thời giới thiệu những nét đẹp của dòng tranh có vị trí đặc biệt này trong nghệ thuật hội họa truyền thống của Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật.
Khẳng định bản sắc rất riêng
Không thể phủ nhận rằng, tranh lụa đã từng là niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam với những cái tên như: Nguyễn Phan Chánh, Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ… Ở thời kỳ đó, rất nhiều tác phẩm tranh lụa Việt Nam đã từng tham gia triển lãm tại nước ngoài và được nhiều người yêu thích nghệ thuật trên thế giới đánh giá cao. Từ đó, khẳng định được vị thế của tranh lụa trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Mặc dù tranh lụa là loại tranh đã xuất hiện từ rất lâu tại các quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản. Thế nhưng tranh lụa Việt Nam lại khẳng định được bản sắc rất riêng mặc dù còn non trẻ. Kỹ thuật vẽ cũng như tạo hình, sử dụng màu sắc khác hẳn với những quốc gia cũng có tranh lụa trên thế giới. Nét nổi bật nhất của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một mảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú về màu sắc.
Trong lĩnh vực hội họa, duy nhất tranh lụa được gọi tên theo đặc tính của chất liệu làm nền tranh chứ không theo chất liệu vẽ lên trên nền đó. Cùng với sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nghệ thuật vẽ tranh lụa đã trải qua các giai đoạn với những thay đổi về nội dung và kỹ thuật thể hiện, có nhiều bước tiến trong xử lý bố cục, màu sắc...
Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, những năm gần đây, một số họa sĩ trẻ đã dày công sáng tác, tận dụng những điểm mạnh của thể loại tranh mỹ thuật này và tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật vẽ mới để tranh lụa có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Như nhận định của họa sĩ Nguyễn Việt Anh, tranh lụa hiện đại có những thay đổi mới mẻ, tinh tế. Sự thay đổi đó thể hiện ở nhiều mặt như: bố cục, đề tài đa dạng hơn, chất liệu lụa ngấm màu nhanh hơn, màu vẽ thấm nhanh hơn…
Nếu như tranh lụa truyền thống chỉ thể hiện các chủ đề như: phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài một cách đơn giản... Thì ngày nay, tranh lụa hiện đại lại thể hiện sự mới mẻ ở các mảng đề tài đa dạng hơn. Và hơn thế nữa, tranh lụa hiện đại còn được các họa sĩ sử dụng kỹ thuật mới để mô tả không gian ba chiều, sương khói… với những mức độ màu sắc khác nhau.
Ngày xưa các kỹ thuật tô vẽ và nhuộm phải thực hiện rất nhiều lần cho đến khi nào màu ngấm vào tấm lụa. Nhưng các họa sĩ trẻ bây giờ không còn sử dụng kỹ thuật vẽ đó nữa, thậm chí nhiều họa sĩ chỉ tô một lần là được ngay. Để làm được điều đó là do ngày nay, chất liệu lụa và màu vẽ phong phú hơn rất nhiều và có độ thấm nhanh.
Thêm vào đó, khi những họa sĩ tô màu ngay như vậy người ta rất chắc về bố cục, về đường nét đậm nhạt. Chính về thế mà các họa sĩ ngày nay không tốn quá nhiều thời gian để thực hiện một bức tranh lụa như xưa.
Với những thay đổi mới mẻ, hy vọng trong tương lai, nghệ thuật tranh lụa Việt Nam sẽ được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong nước đón nhận. Đặc biệt, sẽ ươm mầm được nhiều tài năng trẻ để tranh lụa Việt Nam thực sự có chỗ đứng vững chắc trong làng nghệ thuật đương đại nước nhà và khẳng định được mình trên trường quốc tế.