Hoàn thiện cơ chế tài chính của VAMC
Nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ Tăng cường hợp tác giữa VAMC với ngân hàng thúc đẩy xử lý nợ xấu hiệu quả |
Căn cứ vào cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động, cơ chế quản lý tài chính cho VAMC được ban hành để bảo đảm VAMC hoạt động đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên Sau 05 năm thi hành, cơ chế tài chính của VAMC bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung.
Một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay cơ chế tài chính của VAMC cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau: Một là, nguồn vốn của VAMC còn thiếu linh hoạt và giới hạn, dòng tiền thật trong công tác xử lý nợ xấu còn thấp, gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường
Hai là, cơ chế tài chính của VAMC hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc xác định và ghi nhận doanh thu, chi phí của VAMC đối với khoản nợ được phối hợp xử lý cùng với các TCTD; chưa quy định cụ thể đối với ghi nhận thu nhập đối với các khoản nợ được bán và thanh toán nhiều lần theo hợp đồng cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc ghi nhận doanh thu, chi phí đối với trường hợp các khoản nợ được VAMC cơ cấu lại nợ.
Ba là, về quy định trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: Tại mục III Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Thủ tướng Chính phủ cho phép VAMC được trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tổng mức trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ này tối đa bằng vốn điều lệ VAMC được cấp) trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng thu-chi. Tuy nhiên, theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP thì VAMC không có khoản chi phí này. Quyết định số 1058/QĐ-TTg chỉ là văn bản cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, quy định về việc VAMC được trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của VAMC là chưa có cơ sở pháp lý.
Bốn là, về hình thức văn bản quy định về cơ chế tài chính đối với VAMC: Theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của VAMC. Triển khai Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ chế tài chính đối với VAMC.
Mặc dù, việc ban hành Thông tư là phù hợp với quy định của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo Luật quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13) quy định Chính phủ có quyền “Quy định việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: phương thức xác định vốn điều lệ; huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua, bán, quản lý, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, nợ phải trả; đầu tư, chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp; phân phối lợi nhuận sau thuế, trích lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp; bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp; thẩm quyền ban hành quy chế tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (khoản 3 Điều 40).
Căn cứ Luật số 69/2014/QH13 thì Chính phủ có thẩm quyền quy định chế độ tài chính của VAMC qua hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định của Chính phủ.
Một số đề xuất, kiến nghị
Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính của VAMC, thời gian tới cần triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách về chế độ tài chính đối với VAMC: Để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cần thiết tách quy định về tài chính của VAMC tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP để quy định tại Nghị định riêng về cơ chế tài chính đối với VAMC. Việc hoàn thiện chế độ tài chính đối với VAMC (bao gồm quy định về tài chính, kế toán, báo cáo tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Thông tư số 01/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính) theo hướng tiếp tục kế thừa, phát triển và hoàn thiện những mặt ưu điểm/tích cực và khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế của chế độ tài chính hiện hành đối với VAMC; rà soát những nhiệm vụ mới giao cho VAMC quy định tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu để có những chỉnh sửa, bổ sung cần thiết trong chế độ tài chính của VAMC.
Thứ hai, quy định về cơ chế tài chính của VAMC. Thông tư số 01/2017/TT-BTC hiện đang quy định mức vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đã tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng và theo mục tiêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, vốn điều lệ của VAMC sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, cần phải sửa đổi mức vốn điều lệ của VAMC phù hợp với định hướng hiện nay.
Bên cạnh nguồn vốn điều lệ thì VAMC cần tăng thêm nguồn vốn để mua và xử lý nợ xấu bằng phương thức phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu để mua nợ thị trường có thể thực hiện ngay nếu nhu cầu mua nợ của VAMC lớn hơn vốn hiện có. Việc phát hành trái phiếu của VAMC phải tuân thủ các quy định về nguyên tắc, điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và quy định về nguyên tắc huy động vốn theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cơ chế tài chính cần quy định đầy đủ các khoản doanh thu, chi phí của VAMC, trong đó cần làm rõ các khoản thu chi đặc thù của VAMC và các khoản thu, chi phát sinh tương tự như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Cần có quy định về giám sát và đánh giá hiệu quả kinh doanh riêng đối với hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường, không hợp nhất hoạt động kinh doanh mua bán nợ chung khi báo cáo cơ quan quản lý.
Thứ ba, các giải pháp khác ảnh hưởng đến cơ chế tài chính của VAMC: Cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ để VAMC thực hiện xử lý nợ xấu mang tính thực chất hơn là làm sạch bảng cân đối kế toán cho TCTD. Việc mở rộng chức năng, nhiệm vụ đối với VAMC đồng nghĩa với việc mở rộng về quy mô, yêu cầu về vốn tăng lên và việc quản lý tài chính đối với các hoạt động mới cần được xem xét để phù hợp, đáp ứng yêu cầu hoạt động của VAMC.
Ngoài đề xuất về việc VAMC tham gia quy trình chứng khoán hóa thì một số chuyên gia cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp và dịch vụ thu hồi nợ cần được xem xét, bổ sung tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Cùng với đó hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về mua bán nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về mua bán, xử lý nợ xấu trong quá trình thực hiện; Đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan nhằm hỗ trợ việc xử lý nợ xấu.