Hoàn thiện hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới
Ứng dụng TMĐT: Lối đi mới cho hội nhập toàn cầu Hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT: Tăng trách nhiệm của các chủ sàn |
Trước đây, khi cần mua hàng hóa ngoại nhập, người tiêu dùng Việt luôn phải chờ đợi đến khi có doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lại, hoặc phải trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm và đặt hàng. Còn hiện nay, chỉ cần truy cập vào các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay, Alibaba… bất kì ai cũng có thể tiếp cận với hàng loạt sản phẩm từ vô số nhà cung cấp trên toàn thế giới.
Các loại hình thương mại điện tử xuyên biên giới rất đa dạng, người tiêu dùng có thể mua hàng toàn cầu thông qua website, các ứng dụng, mạng xã hội hoặc thông qua các ứng dụng mua hộ…
Đối với doanh nghiệp, việc đăng bán trực tiếp trên các trang thương mại điện tử quốc tế uy tín là cách nhanh nhất để kết nối với khách hàng, tìm thị trường xuất khẩu và đối tác mới. Hình thức này vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối tại nhiều thị trường.
Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành trào lưu |
Mặc dù vậy, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, nhận định sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số, dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau (như tiền kỹ thuật số, mô hình kinh doanh ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo AI...) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính tương thích của hành lang pháp lý. Thêm vào đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chịu sự quản lý của nhiều đơn vị quản lý nhà nước. Do vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân sử dụng hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, “để đo lường được số lượt giao dịch từ sàn quốc tế có giao dịch tại Việt Nam thì cần có các dữ liệu, thông tin phối hợp của các đơn vị chức năng như hải quan, thuế, ngân hàng… Điều này liên quan đến việc chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu, nhưng hiện còn gặp nhiều bất cập, nhất là hình thức, định dạng dữ liệu chia sẻ giữa các đơn vị còn chưa thống nhất”, ông Trung thông tin thêm.
Thực tiễn cũng cho thấy, việc quản lý các đối tượng bán hàng trên các trang mạng xã hội hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các mạng xã hội cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam bởi chưa có quy định yêu cầu bắt buộc phải có cơ chế phân loại tài khoản người dùng theo mục đích sử dụng là kinh doanh hay không kinh doanh. Trong khi đó, việc phân loại tài khoản người dùng, giúp xác định đối tượng phải thực hiện trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong trường hợp tài khoản đó được sử dụng với mục đích kinh doanh…
Vì vậy, các cơ quan chức năng hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử. Các văn bản hướng đến mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại trên không gian mạng, bao gồm cả hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.