Ngân hàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng
TP.HCM: Tăng cường gỡ khó cho doanh nghiệp | |
Nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn | |
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn |
Hàng chục TCTD mới đây đã được Phó thống đốc Đào Minh Tú biểu dương vì đã tích cực, chủ động triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Đông Nam Á, ACB, Techcombank, OCB, MB, Sài Gòn Công thương, Bản Việt, Kiên Long, Sacombank, TPBank, VPBank, Eximbank, PVCombank, Co-opbank, CIMB, UOB. Trong đó, bên cạnh các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm các loại phí cho khách hàng.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, số lượng ngân hàng công bố giảm phí vẫn chưa dừng lại và sẽ còn tiếp tục giảm phí nữa. Theo thông tin từ CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), hiện nay đã có hơn 30 NHTM đồng hành với đơn vị này trong việc triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ chuyển, rút tiền và thanh toán trực tuyến. So với thời điểm cuối tháng 2/2020, khi Napas bắt đầu thực hiện miễn giảm phí dịch vụ chuyển mạch, số lượng các NHTM tham gia ngày càng nhiều hơn và có sự cạnh tranh trong mỗi chính sách khuyến mại, thu hút khách hàng.
Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Napas cho biết, việc áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ chuyển mạch cho các NHTM trong hệ thống mặc dù có thể khiến doanh thu của Napas giảm ít nhất nhất khoảng 15% so với mức tăng trưởng hiện tại. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân là rất lớn. Bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, giao dịch trực tuyến liên ngân hàng đang có sự tăng trưởng mạnh. Trong suốt thời điểm tháng 12/2019 và tháng 1/2020 giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 qua Napas đã tăng trưởng trên dưới 200% cả về số lượng và tổng giá trị giao dịch. Trong khi đó, suốt tháng 2 vừa qua, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện hầu hết các NHTM đều đã triển khai các chương trình miễn giảm các loại phí dịch vụ giao dịch trực tuyến. Trong đó, BIDV giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng từ 7.000 đồng xuống 2.000 đồng/giao dịch; Vietcombank miễn phí 24/7 chuyển tiền qua tài khoản và thẻ đối với các giao dịch dưới 500.000 đồng, trong khi mức phí này hiện nay 7.700 đồng/giao dịch mức phí này sẽ thu trở lại sau ngày 25/2 nhưng chỉ còn 5.500 đồng/giao dịch…
Ngân hàng Bản Việt đã miễn phí chuyển khoản 24/7 qua Mobile Banking và Internet Banking 3 tháng, không giới hạn số tiền và mức gửi. Sau đó, đối với các giao dịch chuyển tiền dưới 500.000 đồng sẽ được miễn 100% phí chuyển tiền 24/7.
Ngoài ra, cả năm 2020 Ngân hàng Bản Việt còn có gói ưu đãi dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, miễn 100% phí chuyển khoản đối với doanh nghiệp mới đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử; đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử trong thời gian triển khai chương trình; và có ít nhất 01 user (tài khoản người dùng) kích hoạt dịch vụ thành công trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm đăng ký. Doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử trước thời gian triển khai chương trình như kích hoạt dịch vụ trong thời gian triển khai chương trình; và phát sinh tối thiểu 1 giao dịch tài chính bất kỳ trên ngân hàng điện tử của ngân hàng này trong vòng một tháng kể từ ngày kích hoạt...
Ông Phan Viết Cường, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng Bản Việt cho biết, “mỗi ngân hàng có một cơ cấu khác nhau, với Ngân hàng Bản Việt tại thời điểm hiện tại doanh thu dự kiến giảm 10%”.
Lãnh đạo một NHTMCP tại TP.HCM cho rằng, miễn giảm phí dịch vụ và hỗ trợ về lãi suất có thể lợi nhuận của đơn vị này sẽ sụt giảm khoảng 50-70 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thay đổi sản phẩm, cơ cấu lại mảng cho vay và tối ưu hóa dòng tiền có thể bù đắp sự giảm sút này nên đơn vị chưa tính đến việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2020.
TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, nhìn bề ngoài thì hiện nay với việc miễn giảm các loại phí dịch vụ và hỗ trợ lãi suất có vẻ như các nhà băng bị sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu tính đường dài và tổng thể thì chính những ngân hàng có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch sẽ có cơ hội để tăng trưởng nguồn thu bởi họ giữ được khách hàng.
Theo ông Tín, hiện nay đa số các NHTM trong hệ thống, nguồn thu từ dịch vụ chỉ chiếm khoảng 10-15%. Từ trước khi có dịch Covid-19 một số ngân hàng đã “hy sinh” một phần nguồn thu từ phí dịch vụ để huy động nguồn tiền gửi không kỳ hạn nhàn rỗi như Vietcombank, Techcombank, MB. Hiện nay các ngân hàng khác như VIB, TPBank, VPBank, ACB,… cũng đã gia nhập cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn. Trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất kinh doanh khó khăn, các kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn thì kênh gửi tiết kiệm sẽ được người dân chọn lựa nhiều hơn. Vì thế, thời điểm này giảm phí dịch vụ và tăng khuyến mại tiền gửi cũng là một cách hiệu quả để thu hút dòng tiền nhàn rỗi.
Ngoài ra, vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sẽ gia tăng nhu cầu bảo hiểm phòng ngừa rủi ro cho sức khỏe cũng như tài sản. Vì vậy, cơ hội để các NHTM đẩy mạnh kết hợp với các công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm cũng sẽ cao hơn. Cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng theo đó có thể sẽ được thay đổi đáng kể nếu biết tranh thủ các chính sách vừa hỗ trợ khách hàng vừa tái cấu trúc các mảng sản phẩm dịch vụ.