Căng sức chống dịch: Ngân hàng nỗ lực giữ ổn định vĩ mô
Đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh | |
Ngân hàng Nhà nước dự thảo thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 | |
Hỗ trợ khách hàng là mong muốn lớn nhất của ngân hàng |
Suốt nhiều tháng nay, thị trường tài sản và tài chính biến động mạnh mẽ: vàng liên tục vượt lên các mốc cao mới còn chứng khoán sụt giảm nặng nề. "Cơn điên" của dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, và đằng sau nó là tâm lý quan ngại đối với hệ lụy từ dịch Covid-19 và khẩu vị rủi ro kém hơn trước.
Trong khi các nhà đầu tư, những người có nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi hoảng loạn tìm nơi trú ẩn an toàn thì Chính phủ cùng các bộ, ngành đang căng sức để cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ: phòng chống dịch bệnh và tìm các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác động xấu của Covid-19 đến nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Ngành Ngân hàng có thể nói là đã vào cuộc rất sớm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24/2, NHNN đã ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, các TCTD thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/3/2020, và cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này; Cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh…
Dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được cơ quan chức năng gấp rút xây dựng, đang lấy ý kiến đóng góp để sớm ban hành. Tiếp đó, NHNN tiếp tục họp với các TCTD về tăng cường triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do dịch bệnh Covid-19...
Thông tin tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2020, định hướng những tháng cuối năm 2020 diễn ra hôm 5/6, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Các TCTD đã lập tức triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng: Giảm lãi suất cho vay; giãn, hoãn nợ; miễn, giảm hàng loạt phí dịch vụ...
Cùng với đó nhiều NHTM đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 05-2,5%, thậm chí có NHTM còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm.
Việc cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của TCTD; tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới, Phó Thống đốc cho biết tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Theo đó, đến 25/5/2020 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách hàng với dư nợ gần 152 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813,6 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cải cách hành chính, đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá: Ngân hàng là một trong những bộ, ngành sớm có những hành động quyết liệt trong hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bởi tác động của Covid-19. Những giải pháp mà NHNN đã, đang triển khai rất kịp thời và phù hợp thực tế.
Liên quan đến định hướng CSTT phong phần còn lại của năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng: Chúng ta không nôn nóng thắt chặt CSTT để xử lý vấn đề lạm phát nhưng cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Quan điểm điều hành CSTT là thận trọng nhưng phải phù hợp để không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Phải giữ nền tảng ổn định vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng không chỉ cho năm nay mà còn tăng trưởng bền vững hơn…
Xin trở lại vấn đề tìm nơi trú ẩn của các nhà đầu tư: Thị trường chứng khoán thế giới nhiều phiên đỏ lửa, VN-Index đang chật vật quanh mốc 830 điểm, mất khoảng 160 điểm so với hồi đầu năm. Thị trường bất động sản vừa trải qua đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến; phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng thiệt hại nặng nề bởi du lịch gần như đóng băng; các phân khúc khác im ắng. Giá vàng biến động khó lường… Kênh đầu tư trái phiếu khá nhộn nhịp trong năm 2019 bắt đầu trầm lắng chờ sự điều chỉnh của chính sách mới. Chưa kể, ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thì độ rủi ro trong đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng…
Nhìn đi nhìn lại thấy lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện ổn định nhất. Chủ trương của Chính phủ, định hướng trong điều hành CSTT của NHNN là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát, giữ tốc độ tăng trưởng GDP… thì mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.