Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh | |
Hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải như chống dịch Covid-19 | |
CDC đưa Việt Nam khỏi danh sách điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 |
Doanh nghiệp lao đao
Mới đây, tại cuộc họp để thống kê thiệt hại, tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) do Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng tổ chức, đại diện nhiều DN trên địa bàn đã cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN tại địa phương, nhất là các DN lâu nay gắn bó với thị trường Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp đang chủ động tìm thị trường mới, vượt qua khó khăn hiện nay |
Trên thực tế, tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, nhiều DN đang lao đao, đứng trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, khó khăn nhất, thậm chí đứng trước nguy cơ phải đóng cửa sản xuất, kinh doanh là DN thuộc các lĩnh vực như, vận tải, lữ hành, dịch vụ nhà hàng khách sạn, nông sản xuất khẩu. Những DN có hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc...
Theo ông Hà Đức Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng, một số DN dệt may ở địa phương lâu nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại, đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, đại diện Công ty Dệt may 29/3 cho biết, hiện đơn vị phải nhập khoảng 40% nguyên liệu từ Trung Quốc. Nếu các đối tác phía bạn tiếp tục ngưng hoạt động, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Bởi vậy, những hợp đồng xuất khẩu hàng dệt may đã ký với khách hàng sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Để giải quyết những khó khăn này, hiện một mặt Dệt may 29/3 phải đàm phán với các đối tác về thời gian giao hàng, mặt khác, đang nhanh chóng tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu mới, Thái Lan, Singapore, Malaysia... Tuy nhiên, việc này cũng sẽ không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Bởi, sản phẩm nguyên liệu phải vượt qua những kiểm định khắt khe, đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của các nhà nhập khẩu, bạn hàng của công ty.
Tương tự, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, hầu hết các DN đều bị tác động trực tiếp hay gián tiếp bởi Covid-19. Trong đó, DNNVV là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước sự biến động của kinh tế trong nước và thế giới. Sự bùng phát của dịch bệnh khiến DN trên địa bàn bất ngờ, không kịp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Theo khảo sát của Hiệp hội DNNVV thành phố, hiện đã có một số DN đang tiến hành cơ cấu lại nhân sự do doanh thu sụt giảm. Những khó khăn của DN chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách của địa phương.
Tuy nhiên, theo nhiều người ảnh hưởng mạnh nhất do “cơn bão” Covid-19, gây ra chính là khối các DN kinh doanh khách sạn, lữ hành. Bởi, tính tới thời hiện tại, công suất phòng bình quân tháng 2/2020 của các khách sạn trên địa bàn chỉ đạt 25 - 30%, giảm 45 - 50% so với cùng kỳ năm 2019. Chưa hết, theo dự báo của Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, trong tháng 3/2020 lượng khách hủy phòng sẽ còn mạnh hơn nữa, công suất có thể chỉ còn duy trì ở mức 20%-25%. Thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng ở địa phương cho thấy, tổng thiệt hại của các DN lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển cập nhật đến giữa tháng 2/2020 ước tính khoảng 685 tỷ đồng. Ảnh hưởng lớn nhất là khối lưu trú với khoảng 400 tỷ đồng, khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ đồng... Đặc biệt, khó khăn hơn khi các DN bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, sẽ kéo theo những khó khăn, hệ lụy khác cho xã hội. Trước hết, người lao động bị mất việc làm, sức mua giảm sút, kế hoạch kinh doanh đầu tư bị đảo lộn. Thu ngân sách của địa phương cũng chắc chắn bị ảnh hưởng...
Biến “nguy” thành “cơ”
Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đang “căng mình” để hỗ trợ DN. Trên địa bàn thành phố, nhiều TCTD đã lập tức vào cuộc hạ lãi suất nhằm hỗ trợ DN, ngay sau chỉ đạo của NHNN. Ông Võ Minh - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết, triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên địa bàn khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra, NHNN chi nhánh thành phố đã có văn bản yêu cầu các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chủ động nắm tình hình sản xuất, kinh doanh nhất là mức độ thiệt hại của các khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona gây ra. Từ đó, kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đặc biệt là xem xét miễn giảm lãi vay... Hiện, các TCTD trên địa bàn thành phố đang chủ động phân loại rà soát, đánh giá khó khăn của khách hàng. Đặc biệt, là những DN, nằm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Qua đó xây dựng kịch bản ứng phó và có các giải pháp để hỗ trợ cụ thể cho từng khách hàng.
Trước đó, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng và các đơn vị liên quan chủ động liên hệ với các DN để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN trên địa bàn thành phố, kịp thời phối hợp các các cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp. UBND thành phố cũng giao Sở Công thương, Cục Hải quan Đà Nẵng phối hợp với các sở, ngành liên quan có biện pháp hỗ trợ DN trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng. Về phía các hiệp hội, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Tiến Quang - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, VCCI Đà Nẵng đang tích cực hỗ trợ DN. Đặc biệt, VCCI Đà Nẵng đã làm việc với cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại đầu tư của các nước tại Đà Nẵng như, Tổng Lãnh sự quán Nga, Lào, Hàn Quốc để triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ kết nối mở rộng thị trường.
Bên cạnh những hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều DN trên địa bàn thành phố cũng đang chủ động để vượt qua khó khăn. Trong nội bộ với nhau, các DN đã tổ chức thành từng “nhóm chia sẻ”, cùng trao đổi thông tin, sáng kiến, cách làm hay để động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau. Trong nguy cơ nhưng lại mở ra những cơ hội. Ở thời điểm đang lao đao vì dịch bệnh hiện nay, lại là khoảng thời gian “vàng” để tái cơ cấu lại, tiết giản những chi phí không cần thiết. Đối với những DN không có phương án dự phòng, quản trị rủi ro thì, đây chính là bài học để rà soát lại quy trình làm việc, xây dựng và phát triển DN một cách vững chắc, tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động. Đặc biệt, quan tâm đến việc mở rộng, phát triển những thị trường mới, không quá phụ thuộc vào một thị trường như trước đây. Trước mắt, các DN cần tăng cường theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống, sẵn sàng chuẩn bị phương án đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay sau khi “cơn bão” Covid-19 được kiểm soát.