TP.HCM: Tăng cường gỡ khó cho doanh nghiệp
Tận dụng thị trường Campuchia | |
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 mau qua | |
Quỹ đầu tư nhận định trái chiều về thị trường Việt Nam |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố tháng đầu năm ước giảm 3,99% (cùng kỳ tăng 5,1%). Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm do DN có số ngày làm việc ít hơn (thời gian sản xuất kinh doanh bình quân của DN chỉ khoảng 18-20 ngày, các năm trước là 26 ngày). Đồng thời, các DN đã tập trung đẩy mạnh sản xuất trong tháng 12/2019 để phục vụ Tết Nguyên đán, nên trong những tháng đầu năm 2020, chỉ chủ yếu sản xuất cầm chừng để giữ lượng hàng chuẩn bị cho các tháng tiếp theo.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước giảm 2,71% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm tỷ trọng khoảng 17,67% toàn ngành, ước giảm 2,8% so cùng kỳ. Phân ngành chế biến thực phẩm giảm 6,48% do còn tồn kho, chỉ số tồn kho tăng 30,36% so cùng kỳ, phân ngành sản xuất đồ uống tăng 3,59%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ do tác động của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Dự báo sản lượng đồ uống có thể giảm sâu ở các tháng tiếp theo; Mặc dù có nhiều sản phẩm cơ khí của TP.HCM được xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là máy móc thiết bị và phụ tùng nhưng toàn ngành (chiếm tỷ trọng khoảng 19,41%) trong hai tháng qua chỉ số IIP cũng giảm 7,37% so cùng kỳ...
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động đầu tư bất động sản và đầu tư cá nhân có dấu hiệu sụt giảm. Điều này gây tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế và sản xuất kinh doanh ở các DN, khiến nguồn thu giảm và mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Theo bà Hà, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 65.485 tỷ đồng, bằng 16,14% dự toán, giảm 3,33% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập DN 2 tháng đầu năm tuy tăng 1,25% so với cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thuế giá trị gia tăng giảm 1,46% so với cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm 6,02% so với cùng kỳ. Riêng thuế thu nhập cá nhân tăng 7,92% so với cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây do sụt giảm của hoạt động chuyển nhượng bất động sản và hoạt động chuyển nhượng vốn.
Đễ gỡ khó cho DN, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang có chương trình hỗ trợ vốn kích cầu cho DN đổi mới công nghệ sản xuất. Theo đó, TP.HCM hỗ trợ lãi suất khoảng 7%, còn lại DN chỉ phải trả 2% lãi suất vay với số vốn có thể lên đến hơn 200 tỷ đồng/dự án và thời hạn hỗ trợ 7 năm. Ngoài ra, TP.HCM còn có chương trình hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường...
Trong thời gian tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ đối thoại với DN theo từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, các sở - ngành tham mưu chính sách, giải pháp tập trung tháo gỡ một số dự án đã được Chính phủ, bộ - ngành cho ý kiến, đặc biệt là các dự án đã được thanh tra cho ý kiến, để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tổ công tác đầu tư trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ duy trì họp đều đặn hằng tuần nhằm kịp thời giải quyết các đề xuất của DN, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư; xác lập rõ quy trình, trách nhiệm từng đơn vị trả lời, không để tồn đọng quá nhiều ở các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu các bên liên quan đánh giá tác động của dịch bệnh đối với DN, từ đây làm cơ sở đề xuất với Chính phủ có những chính sách về thuế phù hợp cho DN.
Theo Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và chờ Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới. Đây sẽ là cơ hội để nâng cao cả số lượng và chất lượng hàng hóa sản xuất. Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Công thương TP.HCM phải chú ý, đồng thời rà soát lại các chính sách, giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố. "Đây là cơ hội đẩy mạnh giao lưu DN, giao lưu hàng hóa giữa TP.HCM với quốc tế. Vì thế, chúng ta cần phải chủ động", ông Phong nói.