IMF: Nợ chồng chất và các lỗ hổng tài chính là rủi ro kép đối với kinh tế toàn cầu
Cảnh báo được đưa ra khi IMF đang nỗ lực để thúc đẩy các hành động cân bằng hơn trong các nước tham dự Hội nghị mùa Xuân IMF-WB diễn ra trong tuần này.
Tổ chức có trụ sở tại Washington này đã ca ngợi Mỹ trong việc ban hành các biện pháp kích thích chưa từng có giữa bối cảnh khủng hoảng Covid-19 nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, nhưng cũng cảnh báo về khả năng các biện pháp này có thể gây ra thiệt hại mang tính cơ cấu về lâu dài cho các nền kinh tế khác trên toàn thế giới.
"Không nghi ngờ gì nữa, các gói kích thích của Mỹ đem lại một bối cảnh rất thuận lợi cho các dự báo tăng trưởng mà chúng tôi đã đưa ra", Geoffrey Okamoto, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, nói với CNBC hôm thứ Tư.
“Tôi sẽ không ví nó như một đòn bẩy. Nhưng đây là một 'cơn gió đẩy thuyền' mà các quốc gia có thể tận dụng để cố gắng vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng còn lại, cho đến khi họ có thể mở cửa trở lại nền kinh tế của mình”, ông nói thêm.
IMF cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hôm thứ Ba rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đạt tăng trưởng 6% trong năm nay, lần thứ hai nâng mức dự báo chỉ trong ba tháng gần đây. Kết quả này đến sau khi tăng trưởng ước tính giảm 3,3% vào năm 2020, một cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết triển vọng tươi sáng hơn được củng cố bởi việc triển khai vắc-xin và các biện pháp kích thích kinh tế, “đặc biệt là ở Hoa Kỳ”.
Trong một động thái nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Mỹ, gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden đã được thông qua vào tháng trước. Nhà Trắng kể từ đó vẫn đang tìm cách thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD - một ưu tiên lập pháp tiếp theo của chính quyền mới.
Khi được hỏi liệu các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương có gặp rủi ro khi sử dụng các biện pháp siêu nới lỏng và khiến các nền kinh tế tăng trưởng nóng hay không, Okamoto trả lời: “Cả về khía cạnh tài khóa và tiền tệ, việc giữ chính sách nới lỏng quá lâu đều tiềm ẩn rủi ro”.
“Về mặt chính sách tiền tệ, việc nới lỏng quá lâu sẽ dẫn đến một số lỗ hổng nhất định trong hệ thống tài chính”, Okamoto nói, cho biết thêm, chúng tôi đã đề cập trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu của mình rằng các cơ quan quản lý sẽ cần phải ngăn chặn những rủi ro này.
Báo cáo của IMF, được công bố hôm thứ Ba, cho biết trong khi việc tránh các lỗ hổng tài chính cố hữu đang trở thành một nhu cầu cấp bách, thì các biện pháp kích thích được thực thi trong đại dịch "có thể gây ra những hậu quả không mong muốn như sự mất giá kéo dài và lỗ hổng tài chính gia tăng".
Nó cũng làm nổi lên sự khác biệt giữa một số ít các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế thị trường mới nổi, với các quốc gia thu nhập thấp được coi là có nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong quá trình phục hồi không đồng tốc.
“Về mặt tài chính, dù lãi suất vẫn thấp và khả năng vay của bạn dễ dàng hơn nhưng không có nghĩa là bạn có thể vay số tiền không giới hạn cho bất kỳ mục đích nào”, Okamoto nói.
“Chúng tôi muốn mọi người sử dụng các nguồn lực một cách thận trọng, vừa để vượt qua đại dịch, vừa để đầu tư thích hợp, đặt mình trong lộ trình thoát khỏi khủng hoảng và tiến trình phục hồi tăng trưởng. Nhưng điều đó đòi hỏi phải rất chọn lọc và đảm bảo rằng bạn đang tài trợ cho các dự án có tỷ suất lợi nhuận kinh tế cao nhất”, ông nói.
Okamoto cũng cho rằng việc không chọn lọc được các dự án phù hợp sẽ dẫn đến việc tăng nợ, và "việc tăng nợ hoặc các lỗ hổng tài chính đều có thể dẫn đến rủi ro đối với tăng trưởng trong trung hạn”.