KBank và BW ký thoả thuận hợp tác tín dụng trị giá 1,12 nghìn tỷ đồng thúc đẩy ngành công nghiệp Việt Nam
Theo đó, KBank cung cấp gói tín dụng cho BW nhằm thúc đẩy các dự án nhà xưởng xây sẵn. Thoả thuận hợp tác trị giá 1,12 ngàn tỷ khẳng định nỗ lực của KBank trong việc hỗ trợ các tập đoàn tại Việt Nam.
Từ trái sang phải: Bà Ngoan Nguyễn, Giám đốc Thị trường Vốn của BW. Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính của BW. Ông Chatuporn Boozaya-Angool, Tổng Giám đốc KBank HCM. Ông Suwat Techawatanawana, Phó Chủ tịch Điều hành KBank |
Ông Chatuporn Boozaya-Angool, Tổng Giám đốc KBank chia sẻ: "Là ngân hàng uy tín và đang hoạt động mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, KBank hướng tới việc tận dụng tiềm lực to lớn của doanh nghiệp và tối ưu FDI để thúc đẩy phát triển. Sự hợp tác với BW chỉ ra sự thấu hiểu của KBank về bối cảnh kinh doanh và tiềm năng mở rộng của các doanh nghiệp cả ở cấp địa phương và quốc tế."
“Là nền tảng dịch vụ hậu cần và bất động sản công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, chúng tôi đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với quỹ đất lớn, năng lực vận hành xuất sắc và mạng lưới quan hệ rộng khắp, chúng tôi là đối tác được lựa chọn hàng đầu để nắm bắt sự tăng trưởng do sự chuyển dịch sản xuất khi Việt Nam nổi lên như là điểm đến hàng đầu cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính của BW chia sẻ tại buổi lễ ký kết.
Theo Cushman & Wakefield, phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics nổi lên như một lĩnh vực đầy tiềm năng, vượt trội hơn hầu hết các phân khúc khác nhờ vào sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Báo cáo “Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 và dự báo cho năm 2024” của Hiệp hội Môi giới Bất động sản cho thấy, trong năm 2023, Việt Nam đã thành lập 7 khu công nghiệp và khởi công xây dựng thêm 13 khu mới.
Tổng cộng, các khu công nghiệp đã thu hút hơn 10.400 dự án đầu tư nội địa và hơn 11.200 dự án FDI, với vốn đăng ký lần lượt đạt khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Mặc dù đối mặt với những thách thức về kinh tế, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đã vượt quá 70%, với mức tăng giá thuê trên toàn quốc khoảng 20% và dự kiến sẽ tăng cao hơn trong vài năm tới.
Từ những con số này, có thể thấy rằng phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi vốn đầu tư nước ngoài và sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu đang còn nhiều tiềm năng. Trước bối cảnh này, hợp tác chiến lược quốc tế trở nên quan trọng đối với Việt Nam để tận dụng những cơ hội đang mở ra. Sự hợp tác về mặt tài chính và chiến lược giữa BW và KBank là sự hợp tác cần thiết, được đề ra để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thịnh vượng kinh tế của Việt Nam.
Hai bên đặt ra những mục tiêu có triển vọng trong lần hợp tác này. Khi KBank tận dụng chuyên môn tài chính và cam kết với thị trường Việt Nam, ngân hàng kỳ vọng sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu trong 2 năm tài chính 2024 và 2025. Với chiến lược tập trung hỗ trợ các tập đoàn địa phương và tạo điều kiện cho nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), KBank hướng đến việc nâng cao vị thế của mình trong bối cảnh tài chính hiện đại, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.
Ngoài sự đồng hành về tín dụng, sự hợp tác hứa hẹn sẽ nâng cao cơ sở hạ tầng công nghiệp tại các tỉnh quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động suôn sẻ của các doanh nghiệp trong ngành. Bằng cách tận dụng các nguồn lực tài chính và chuyên môn của KBank, BW hướng tới mục tiêu đẩy nhanh kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của mình, bao gồm việc triển khai các dự án mới trong nền tảng nhà kho và nhà xưởng xây sẵn.
Với tầm nhìn chung về tăng trưởng và phát triển, sự hợp tác này nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tận dụng chuyên môn tài chính và đặt ra những bước đi tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần và bất động sản công nghiệp để thúc đẩy phát triển bền vững. Với cam kết vững chắc và tầm nhìn xa, ngân hàng KBank tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác này sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và phát triển chuỗi cung ứng nói riêng trong thời gian tới.