“Kết nối con người với tự nhiên” đạt quán quân cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh
Dự án “Kết nối con người với tự nhiên” với tên gọi Mr Mướp được ra đời từ năm 2017, do nhóm tác giả đến từ Đồng Tháp gồm Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na mang đến cuộc thi. Dự án mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện với môi trường, có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, cụ thể là nguyên vật liệu xơ mướp.
Dự án "Kết nối con người với tự nhiên" sử dụng tài nguyên bản địa đã đạt giải nhất cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 năm 2023 |
Theo đại diện nhóm tác giả, những sản phẩm từ những nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện với môi trường có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, cụ thể là nguyên vật liệu xơ Mướp. Sản phẩm của dự án cũng đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, thị tường xuất khẩu ổn định từ các đối tác Nhật và Hàn Quốc với các mặt hàng chủ lực hiện tại được làm từ xơ mướp là bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, các sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm. Sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
“Với việc phát triển sản phẩm thương mại thành công, dự án cũng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ từ kế hoạch liên kết xây dựng vùng trồng và bao tiêu thu mua nguyên liệu. Dự án cũng tăng cường mở rộng sản xuất giúp giải quyết việc làm cho bà con lao động tại địa phương và tăng năng lực cung ứng cho thị trường trong giai đoạn sắp tới, khi mà các sản phẩm thân thiện môi trường đang là một xu hướng”, đại diện nhóm tác giả cho biết.
Cùng với dự án “Kết nối con người với tự nhiên”, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 còn giới thiệu nhiều bạn trẻ vùng cao đã đem những đặc sản, ước vọng bảo tồn tài nguyên bản địa làm ý tưởng khởi nghiệp cũng đạt giải cao như dự án Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pắc Nậm (Bắc Kạn) của Cà Thị Bày; dự án Chế biến heo dẻo mác mật (Lạng Sơn) của Lăng Thị Thơ; dự án Chế biến trà lam gác bếp từ chè shan tuyết của Đặng Thị Dất (Bắc Kạn); Công ty CP Thực phẩm xanh Thành Đồng của 2 tác giá Hoàng Khắc Cưng và Trương Thị Thanh Hoa (tỉnh Đắk Lắk); dự án Sản xuất Atiso bền vững của tác giả Phạm Hữu Giàu (tỉnh Lâm Đồng)…
Đại diện ban tổ chức cuộc thi, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiện cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, từ cuộc thi này đã xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ, giỏi về nhiều mặt ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Họ biết ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới, có tiêu chuẩn cao, thậm chí nhiều dự án đã có chứng nhận hữu cơ từ những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Tác giả của các dự án đạt giải của cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 năm 2023 |
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, giám khảo của cuộc thi, các dự án tham dự đã học được về cách tiếp cận thị trường, tiếp xúc, giao dịch, giao tiếp với nhau như thế nào… qua đó giúp biết thêm nhiều điều, biết mình hơn. Cuộc thi còn là cơ hội để các bạn kết nối với nhau, với doanh nghiệp khác. Nhiều bạn trẻ tham dự cuộc thi đã nêu ý muốn xây dựng các chuỗi, trong đó có nhiều người ở các địa phương khác tham gia. Đây là cơ hội tốt để các bạn phát hiện thêm những tiềm năng, những đối tác tương lai của mình, bởi việc làm ăn với nhau trên thị trường thì ý thức hợp tác rất quan trọng.
“Thông thường, doanh nghiệp dễ có cảm giác mình cô đơn trên thị trường khó khăn, vất vả quá, nhưng các bạn hãy tin, mình luôn có nhiều người xung quanh ủng hộ, sẵn sàng chung tay và chia sẻ với các bạn, cùng thúc đẩy, chia sẻ thành công trên thương trường”, bà Lan nói.