Kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP
Được biết, năm 2019 Hà Tĩnh đặt mục tiêu có ít nhất 60 sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình OCOP; Đồng thời, có tối thiểu 25 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, hoàn thiện và chuẩn hóa tối thiểu 20 sản phẩm, phát triển mới tối thiểu 5 sản phẩm. Có ít nhất 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên...
Ảnh minh họa |
Hỗ trợ cho chương trình, các cơ quan chức năng ở địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền các chính sách, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường. Trong đó, các cấp Hội Nông dân ở Hà Tĩnh đã tiên phong, tích cực vận động hội viên, nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Theo ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chính quyền địa phương cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lễ hội, hội chợ nông đặc sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề hàng năm quy mô cấp tỉnh. Mức hỗ trợ tính trên số gian hàng sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề sản xuất kinh doanh trong tỉnh là 5 triệu đồng/gian hàng quy chuẩn. Các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh đảm bảo ổn định từ 2 năm trở lên còn được hỗ trợ mở trang website, thuê gian hàng tại các sàn thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đã xây dựng chuỗi cửa hàng OCOP trên toàn địa bàn. Các cửa hàng này được xây dựng tại thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ, huyện Nghi Xuân và TP. Hà Tĩnh với tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Chuỗi cửa hàng này đang là “cầu nối” liên kết đưa sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những sản phẩm có chất lượng của nông dân Hà Tĩnh chưa được thị trường biết đến. Bà con nông dân Hà Tĩnh vẫn đang loay hoay với bài toán “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”. Đơn cử, mặc dù Hà Tĩnh có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công được nhiều người biết đến như: Bưởi Phúc Trạch, nhung hươu, cam bù Hương Sơn, cam chanh Thượng Lộc, cam Khe Mây, đồ gỗ Thái Yên…
Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm này vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia. Nguyên nhân chính, do sản xuất của bà con lâu nay còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm soát quy trình sản xuất của sản phẩm, khó khăn khi kết nối thị trường...
Bởi vậy, đại diện một siêu thị trên địa bàn đã cho rằng, người sản xuất cần sản xuất theo hướng chuyên môn hóa và tăng tính ổn định trong thu hoạch nông sản, không thu hoạch ồ ạt để có thể tiêu thụ tốt hơn trên thị trường.