Khám phá Tam giác Vàng
Mục sở thị Tam giác Vàng
Ngược dòng Mê Kông, Tam giác Vàng hiển hiện ra trước mắt. Một khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar nổi tiếng một thời là nơi trồng và sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Phần lớn diện tích Tam giác Vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000 m rất phù hợp với việc trồng cây cần sa.
Ngày càng có nhiều đoàn khách du lịch Việt Nam khám phá Tam giác Vàng |
Những cánh rừng bạt ngàn có rất ít tuyến đường giao thông và một vị trí đặc biệt, khiến cả vùng nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ cả ba nước, mang lại điều kiện lý tưởng cho việc trồng cần sa.
“Nhưng ngày nay, thuốc phiện không còn được trồng nữa, Tam giác Vàng đã trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng”. Anh Nguyễn Văn Quỳ, một người Thái gốc Việt hiện là giám đốc một công ty du lịch tại Thái Lan cho biết. Anh giải thích. Ngã ba biên giới Thái - Lào - Myanmar trước đây chưa có tên “Tam giác Vàng”.
Khu vực này cũng không có hình tam giác. Miếng đất hình tam giác phải chăng là địa phận của Myanmar như một doi đất hình tam giác cân khoảng vài chục ha mà đỉnh của nó tiếp giáp với biên giới 2 nước kia do sông Mê Kông và nhánh sông Sop Ruak tạo nên. Đứng trên đồi Sop Ruak cao khoảng 100 m thấy rõ doi đất này, nhưng trước kia nó không có tên gì.
Bên đất Lào, một tổ hợp sòng bạc, dịch vụ giải trí thu hút khách hoành tráng |
Chỉ đến khoảng năm 1955, khu vực rộng hàng chục nghìn km vuông xung quanh ngã ba biên giới bao gồm tỉnh Chiang Rai (Thái Lan), Mong Hpayak (Myanmar), Luông Nậm Thà, U Đôm xay (Lào) trở thành nơi sản xuất, buôn bán thuốc phiện hàng đầu thế giới, trong sự chỉ huy và kiểm soát của Khunsa mới có tên “Tam giác Vàng”. Có lẽ người ta lấy hình doi đất của Myanmar cộng với khả năng sinh lợi đặc biệt của khu vực để đặt tên cho vùng này.
Ngay khu Tam giác Vàng có một Bảo tàng thuốc phiện. Nhà vua Thái Lan đã chi 350 triệu bath xây dựng bảo tàng này từ năm 2003 và đến năm 2005 khánh thành. Bảo tàng là một tổ hợp 3 tầng trong khuôn viên 20 ha. Người Thái đã dành 10 năm sưu tầm tư liệu, mua bản quyền một số phim, ảnh… để trưng bày. Để vào được Bảo tàng thuốc phiện phải đi qua một đường hầm dài 137 m xuyên ngang qua một trái núi.
Đèn điện trong đường hầm sáng mờ mờ, hai bên vách là các bức phù điêu miêu tả cảnh thuốc phiện tàn phá con người, những thân hình tàn tạ, chết chóc, kêu khóc rùng rợn, thảm thiết. Lịch sử thuốc phiện thế giới và châu Á, cảnh sản xuất, chế biến thuốc phiện, dụng cụ sử dụng ma tuý, ảnh khuôn mặt hàng trăm các nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên nổi tiếng thế giới bị chết vì ma tuý hoặc bị ma tuý tàn phá…
Cùng với tư liệu hết sức phong phú, kết hợp hài hòa giữa ảnh, hiện vật, video clip, cách trưng bày, bố trí theo một lối đi hẹp, lên xuống, để người xem tập trung, không bỏ sót hình ảnh nào. Bảo tàng thuốc phiện ngay tại Tam giác Vàng đem lại ấn tượng sâu sắc cho người xem và do vậy mang tính giáo dục rất cao.
Vượt qua chặng đường dài từ điểm xuất phát đến điểm đến hơn 2.500km, có thể gọi là kỷ lục của du lịch đường bộ, chúng tôi đã không hoài công khi đặt chân đến Tam giác Vàng. Đứng ở boong tàu nơi ngã ba sông Mê Kông hướng về Tam giác Vàng, chúng tôi vô cùng thích thú khi có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng và chụp ảnh toàn bộ phong cảnh Lào, Myanmar và Thái Lan.
Bên bờ sông thuộc lãnh thổ Thái Lan, các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Đối diện phía bờ bên kia, Myanmar hiện ra với những khách sạn, tụ điểm vui chơi, giải trí. Việc đi lại giữa hai tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) và tỉnh Mea Sai (Myanmar) được thực hiện nhờ vào cây cầu hữu nghị tại Mea Sai. Bên kia sông Mê Kông là đất Lào. Xa xa, một tổ hợp sòng bạc, dịch vụ giải trí hoành tráng nhìn lóa mắt trong nắng chiều.
Anh Nguyễn Văn Quỳ cho hay, Tam giác Vàng đã trở thành một thương hiệu lớn để kinh doanh. Tương lai không xa, khi đường bay Chiang Mai – Đà Nẵng được kết nối, tour du lịch “Tam giác Vàng” sẽ giúp Chiang Rai trở thành “thành phố thiên thần” hay “Vương quốc những nụ cười” mà mọi người từng đặt tên cho nó, thay dần những ý nghĩ không tốt về một vùng đất đã từng cung ứng những “cái chết trắng” cho nhân loại.
Đóa hồng phương Bắc
Được mệnh danh “Đóa hồng phương Bắc” của Thái Lan, nằm cách Chiang Rai 60 km về phía Tây Nam, Chiang Mai được xem là điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và muốn tìm hiểu nền văn hóa truyền thống các thổ dân sống trên đồi núi cao sau khi khám phá Tam giác Vàng.
Chiang Mai hình thành từ 716 năm trước, khởi nguồn là Vương quốc La Na. Chiang Mai có thành phố lớn thứ hai Thái Lan, sau Bangkok với 1,8 triệu dân, là tỉnh có nhiều danh thắng, trung tâm bảo tồn thiên nhiên. Để bảo tồn thành phố cổ hơn 700 tuổi, chính quyền Chiang Mai đã quy hoạch bảo tồn các di tích cổ, trong đó có các quy định như xây dựng công trình cao không quá 12m, di chuyển những cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, hạn chế ôtô đi lại…
Tại buổi tiếp chúng tôi, ông Phu Nat, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Chiang Mai khẳng định, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) có tầm quan trọng đối với sự phát triển của các nước Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, trong đó có Chiang Mai. Vì thế, tỉnh đã và đang xây dựng các chương trình phát triển thương mại và du lịch, bởi Chiang Mai có tiềm năng kinh tế du lịch, có nhiều phong cảnh đẹp, con người thân thiện, nền văn hóa truyền thống của vương quốc cổ La Na.
Chiang Mai cũng đang xây dựng ngành du lịch sức khỏe thông qua hệ thống bệnh viện, các điểm chăm sóc sức khỏe con người, các khu du lịch sinh thái… Có thể thấy, cách làm du lịch của người Thái thật đa dạng. Từ hệ thống khách sạn, nhà hàng đến các điểm vui chơi giải trí, các hình thái du lịch đều hướng vào mục đích phục vụ du khách hết mình, làm sao thỏa mãn nhu cầu của khách và thông qua đó tạo nguồn thu cho nền kinh tế.
Đề cập việc phát triển ngành du lịch, ông Phu Nat cho biết, Chiang Mai trước đây là một thành phố đóng cửa bởi chưa mở rộng quan hệ với Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam. Ngày nay, các mối quan hệ được thiết lập, Chiang Mai đang phấn đấu trở thành trung tâm thương mại du lịch trong khối ASEAN. Ngành du lịch Chiang Mai đã đặt quan hệ với các địa phương Việt Nam như Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị.
Theo số liệu thống kê nếu vào năm 2006, chỉ có khoảng 20 ngàn khách du lịch qua lại trên tuyến EWEC, thì con số đó đến nay đã tăng lên gấp 10 lần. Khách du lịch từ Thái Lan qua Việt Nam được đi theo đoàn bằng xe tay lái nghịch, nhưng ngược lại từ Việt Nam qua Thái Lan đến nay cũng chỉ dừng lại ở cửa khẩu Lào-Thái.
Để tạo điều kiện và thu hút khách du lịch của hai nước, mới đây, Chiang Mai và Đà Nẵng đã có kế hoạch vào năm 2015 sẽ mở đường bay trực tiếp giữa hai thành phố. Từ Bangkok về Chiang Mai khoảng một giờ bay, ngang bằng quãng đường bay từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh hoặc từ TP. Hồ Chí Minh qua Bangkok.
Nhưng nếu có đường bay Đà Nẵng- Chiang Mai thì thời gian di chuyển chỉ bằng 1/3 của chặng bay đó cộng lại. Đây là cơ hội cho ngành du lịch hai địa phương nói riêng và du lịch các nước trong vùng phát triển.
Hình như thời gian đã không còn nhiều. Vào cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành. Sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á thành một khối sản xuất thương mại, du lịch, đầu tư, tạo ra một thị trường chung của khu vực. Đánh giá tác động của AEC 2015 đến EWEC, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, AEC 2015 sẽ mở ra cơ hội và thách thức mới cho phát triển của các tỉnh miền Trung Việt Nam nhất là lĩnh vực du lịch khi là cửa ngõ cho Lào, Thái Lan và Myanmar.
Việc khai thác khả năng sinh lợi của Tam giác Vàng vì vậy cũng được các DN và hãng du lịch lữ hành Việt Nam nhắm đến.