Khẩn trương nghiên cứu các giải pháp đối với hiện tượng nghẽn lệnh
Chứng khoán chiều 20/1: Tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE gần như diễn ra trong suốt phiên | |
HoSE quyết tâm khắc phục hiện tượng “nghẽn” lệnh |
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh |
Ông Lê Hải Trà: Theo thiết kế kỹ thuật, hệ thống giao dịch của HoSE có công suất tối đa 900.000 lệnh/phiên. Hệ thống hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán (CTCK), trong đó: hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng; 80% còn lại chia cho CTCK theo 2 vòng. Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các CTCK đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động). Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới. Cách này nhằm tối ưu hoá phân bổ tài nguyên của hệ thống đang vận hành.
Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một CTCK nào đó (nếu có), có thể gây rủi ro cho hệ thống của Sở. Có thể nói, đây là cơ chế tự bảo vệ của hệ thống và trong tình huống hiện nay đã có hiệu quả tốt, giúp hệ thống giao dịch an toàn hơn trên bình diện toàn cục của thị trường. Nếu hệ thống tiếp tục nhận số lượng lệnh vượt quá năng lực có thể gây lỗi hệ thống và hậu quả có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với tình trạng nghẽn lệnh.
Chỉ mới đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HoSE ở mức 4.000 - 4.200 tỷ đồng/phiên, song cũng chỉ mới chiếm khoảng 20-30% năng lực hệ thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều kênh đầu tư truyền thống giảm hấp dẫn… số lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới tham gia thị trường, tăng nhanh kỷ lục, vượt qua tất cả mọi dự đoán. Chính vì vậy, thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng vọt trong năm 2020 là điều không thể lường trước.
Theo thống kê của HoSE trong năm 2020, đặc biệt cuối năm, nhiều phiên giao dịch thanh khoản gần gấp 4-5 lần mức cao nhất của quá khứ, gấp 6-7 lần mức đầu năm. Các CTCK trong TOP 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống, gây hiện hiện tượng nghẽn lệnh.
Đây là thực trạng bất khả kháng. Mặc dù được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HoSE đã rất nỗ lực tìm kiếm đồng thời nhiều giải pháp, tuy nhiên vẫn chưa thể khắc phục triệt để.
Chính vì vậy, như đã chia sẻ thông tin nhiều lần trước, HOSE mong muốn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của các thành viên thị trường, cộng đồng nhà đầu tư, các cơ quan báo chí truyền thông, về nỗ lực khắc phục sự ách tắc ngoài mong muốn, cũng như sự chậm trễ trong việc đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động trong năm 2020 theo kế hoạch do những yếu tố khách quan và chủ quan, vì lợi ích chung của thị trường.
PV: Đâu là giải pháp để khắc phục dần và hướng tới khắc phục dứt điểm hiện tượng nghẽn lệnh xuất hiện trong một số phiên giao dịch của HOSE, thưa ông?
Ông Lê Hải Trà: Trước số liệu thực tế về tăng trưởng giao dịch, HOSE đã chủ động có kế hoạch thử nghiệm nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán với các CTCK và báo cáo UBCKNN. Được sự chấp thuận của UBCKNN và nỗ lực của các CTCK, việc nâng lô giao dịch lên 100 đã được đẩy nhanh hơn. Theo đó, kể từ ngày 4/1/2021, giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến.
Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000 -16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HOSE cũng đã chủ động báo cáo UBCKNN họp với các CTCK để rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động, hạn chế số lệnh đặt, sửa, hủy... để tối ưu hóa lượng lệnh vào thị trường.
Đối với TTCK, mọi thay đổi về mặt kỹ thuật đều có tác động quan trọng đối với hệ thống giao dịch của Sở và các CTCK. Hệ thống CNTT chứng khoán có đặc thù riêng, đòi hỏi tính cẩn trọng và độ tin cậy cao. Vì vậy, quan điểm của cơ quan quản lý cũng như của HOSE là nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng giải pháp ít tác động nhất. Đây là quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian để tránh những sai sót có thể xảy ra đối với hệ thống.
Đến nay, HOSE cũng đã đề xuất với các cơ quan quản lý cân nhắc hiệu quả của việc áp dụng một số giải pháp. Trong khi đẩy nhanh việc triển khai đưa Hệ thống mới đi vào hoạt động, chúng tôi hy vọng những giải pháp được triển khai trong thời gian tới sẽ có hiệu quả tích cực, giúp giảm tải hệ thống hiện nay trên HoSE.
Mặc dù dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, song dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tài chính, UBCKNN, cùng với sự hỗ trợ, nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị, các chuyên gia nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12/2020 để triển khai công việc theo kế hoạch. Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HOSE cũng đã thông báo tới các CTCK chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.
Tuy nhiên, HOSE cũng nhấn mạnh, tiến độ đó là trong điều kiện thuận lợi, còn việc khai trương hệ thông mới sẽ còn phụ thuộc vào khá nhiều điều kiện khách quan, trong đó không thể không nhắc tới là rủi ro khó có thể lường trước đến từ đại dịch COVID-19 như đã thấy từ thực tế chậm trễ triển khai trong năm 2020.
PV: Được biết, HoSE đang có tham khảo ý kiến về việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu tại HoSE lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải lệnh cho hệ thống hiện tại. Ông có thể chia sẻ thêm về giải pháp này?
Ông Lê Hải Trà: Vấn đề nâng lô giao dịch đã được HoSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HoSE. Các thị trường phát triển hơn chúng ta như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này.
Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Từ đó sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.
HoSE và cơ quan quản lý cũng đã tính tới việc, nếu áp dụng biện pháp nâng lô giao dịch sẽ cần phải giải quyết vấn đề giao dịch cổ phiếu lô lẻ cho nhà đầu tư. Hiện tại, hệ thống của HOSE không có bảng giao dịch lô lẻ. Cổ phiếu được CTCK tổ chức mua lại của khách hàng thường theo giá sàn cộng thêm phí. Giao dịch lô lẻ cũng có thể tạo áp lực đối với CTCK khi thị trường trầm lắng, chưa kể thời gian hoàn tất giao dịch kéo dài do phải đảm bảo yếu tố pháp lý, đặc biệt là CTCK nước ngoài.
Thay vì xây dựng một bảng giao dịch lô lẻ trên hệ thống giao dịch có thể gây mất ổn định và thời gian, bài toán này có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng những qui định đối với CTCK để việc mua lại/bán làm tròn lô của nhà đầu tư sát với giá thị trường hơn, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, và chúng ta cũng hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!