Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp phục hồi trong quý II
Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng tăng hai con số
|
Báo cáo ngành mới nhất của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, lợi nhuận toàn thị trường trong quý II/2024 được dự báo có thể tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc có một mức nền thấp từ cùng kỳ và sự phục hồi nhẹ của hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Ở chiều ngược lại, nhóm phân tích ước tính, lợi nhuận ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ suy giảm 26% từ mức nền cao của năm ngoái, còn lợi nhuận ngành dầu khí giảm nhẹ ở mức 2% do kết quả kinh doanh kém tích cực.
Đối với ngành bán lẻ, theo MBS Research, mảng bán lẻ hàng hóa ICT - CE (điện thoại, điện máy) vẫn tăng trưởng chậm. Điểm sáng đến từ lĩnh vực điện máy với mức tăng trưởng 2 chữ số do thời tiết nắng gắt, nhu cầu lắp máy lạnh gia tăng. Việc các nhà bán lẻ tăng mức nền giá sản phẩm được đánh giá là sẽ giúp cải thiện biên lãi gộp. Từ đó, lợi nhuận ròng mảng ICT-CE cũng cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ.
Tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ cải thiện |
Với mảng bán lẻ trang sức, theo MBS Research, giá vàng quý II/2024 biến động mạnh đã thúc đẩy nhu cầu giao dịch vàng nhẫn, giúp doanh thu bán lẻ trang sức đạt mức tăng trưởng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi sự tăng giá nguyên vật liệu và tỷ trọng bán vàng miếng, vàng nhẫn, biên lãi gộp của doanh nghiệp bán lẻ trang sức sẽ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Với ngành bất động sản, MBS Research đánh giá, ngành bất động sản quý II phục hồi nhưng có sự phân hoá. Theo đó, kết quả kinh doanh của nhóm bất động sản dân cư trong quý II theo dự phóng sẽ không có đột phá do thiếu dự án bàn giao và tình trạng pháp lý chưa thay đổi trước khi các luật mới ban hành (dự kiến ngày 1/8/2024). Các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận quý II này.
Lợi nhuận ròng ngành bất động sản dự kiến đi ngang. Một số doanh nghiệp dự kiến có lợi nhuận giảm 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu bàn giao dự án giảm. Phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục trầm lắng do tính đầu cơ và vấn đề pháp lý.
Lợi nhuận ngành bất động sản có sự phục hồi nhưng phân hoá |
Với ngành Ngân hàng, các ngân hàng được dự báo có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận giảm nhẹ. Biên lãi ròng (NIM) sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do lãi suất cho vay giảm trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trong quý II dự báo khả quan hơn quý I nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ, khiến thu nhập lãi thuần chưa thể tăng mạnh.
Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ không tăng cao, với mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt, trong khi một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao.
Với ngành vật liệu xây dựng, theo các chuyên gia của MBS Research, lợi nhuận có thể suy giảm trên mức nền cao so với cùng kỳ. Trong khi đó, ngành vật liệu cơ bản đang tiếp tục đà phục hồi trong quý II với điểm sáng nổi bật từ nhóm doanh nghiệp thép. Nhóm thép cho thấy mức phục hồi lợi nhuận đáng kể nhờ giá nguyên vật liệu giảm, làm tăng biên lợi nhuận gộp lên 12% so với 5% của năm 2023.
Đơn vị này đánh giá, sản lượng tiêu thụ của ngành vật liệu cơ bản sẽ cải thiện nhờ nhu cầu nội địa hồi phục. Sự hồi phục này có thể tiếp tục tích cực khi nguồn cung bất động sản dự kiến đẩy mạnh kể từ quý III. Mặt khác, nhu cầu cải thiện cũng như áp lực giảm giá của Trung Quốc hạ nhiệt cũng sẽ là những yếu tố giúp giá thép có thể tăng giá trong quý III.
Tại nhóm vật liệu cơ bản, Hoà Phát được dự báo là “ngôi sao sáng” với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 127%. Sản lượng bán hàng tăng nhờ tiêu thụ thép xây dựng khả quan, giá nguyên vật liệu giảm 15% và chi phí tài chính giảm nhẹ trong bối cảnh lãi vay và tỷ giá hạ nhiệt là những yếu tố tạo nên đà tăng trưởng mạnh mẽ của “vua thép”.
Lợi nhuận ngành vật liệu cơ bản nhìn chung có sự tăng trưởng tích cực |
Với ngành dầu khí, trong quý II, các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể tiếp tục phân hóa lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu thượng nguồn có thể ghi nhận lợi nhuận tăng tốt nhờ khối lượng công việc tăng, trong khi nhóm cổ phiếu trung nguồn dự kiến lợi nhuận đi ngang và nhóm hạ nguồn có sự phân hóa rõ rệt. Lợi nhuận của một số doanh nghiệp hạ nguồn đi ngang từ mức nền cao, trong khi một số khác bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hoạt động bảo dưỡng nhà máy.
Với ngành điện, về điện khí, sản lượng cải thiện so với mức thấp của quý I, nhờ các nhà máy sử dụng khí Đông Nam Bộ như Nhơn Trạch 1&2 và cụm Phú Mỹ được huy động trở lại, nhưng vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của các doanh nghiệp điện khí dự kiến cải thiện so với quý I do được huy động trở lại và giá thị trường điện cao.
Về thuỷ điện, sản lượng cải thiện mạnh từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 sau khi tích nước trong quý I, các hồ thủy điện ở miền Bắc và Trung duy trì mức nước tốt. Tuy nhiên, doanh thu của nhiều thủy điện lớn có thể không cải thiện tương ứng do giá bán giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp có giá điện hợp đồng thấp.
Về điện than, sản lượng điện than có xu hướng giảm từ tháng 6, nhưng vẫn giữ mức huy động ngang với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến sản lượng điện than quý II/2024 vẫn duy trì tăng trưởng nhờ huy động tốt trong tháng 4 - 5, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm.
Trong quý 2/2024, một số chính sách có hiệu lực như cơ chế tính giá bán lẻ mới làm cơ sở để EVN tăng giá điện trong nửa cuối năm. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn ngành điện đẩy nhanh hoàn thiện các chính sách quan trọng liên quan đến cơ chế tính giá điện LNG và cơ chế mua bán điện trực tiếp cho năng lượng tái tạo (DPPA), hỗ trợ triển vọng triển khai dự án từ nửa cuối năm 2024.