Khát vọng sẽ được khơi dậy bằng cơ chế thực thi hiệu quả
Khát vọng phát triển, ý chí tự cường và quyết tâm cải cách
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là một chiến lược phát triển lần đầu tiên có chủ đề chứa đựng đầy khát vọng. Đó là khơi dậy khát vọng “phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Đó là khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đó là khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng số |
Với người Việt, nhất là những thế hệ đã qua những trải nghiệm đầy khó khăn, khát vọng phải sống rất mạnh mẽ. Nhưng hiện tại, khát vọng đó không chỉ là phải sống mà gắn với giá trị phát triển của nhân loại, của thời đại, gắn cải cách với hội nhập, với xu thế vận động của thời đại, từ công nghệ, lối sống, cách sống, các vấn đề của biến đổi khí hậu…
Nên khát vọng phát triển thể hiện được ý chí, quyết tâm cải cách. Điều này thể hiện rõ trong 3 đột phá chiến lược là thể chế; khoa học và phát triển nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng số. Các kế hoạch đột phá này đều được gắn với đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy năng suất, phát triển tư nhân, chuyển đổi số…
Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận, những trọng tâm cải cách, hướng đi, trong chừng mực nào đó có lộ trình đã được nhìn thấy từ Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, nhưng Dự thảo văn kiện đã đánh giá, dù các đột phá chiến lược được xác định đúng hướng, nhưng tổng thể việc thực hiện còn chậm. Có thể lý giải một số lý do sau:
Một là, chúng ta đã nhận ra phải cải cách, nhưng có vẻ nhận thức đó chưa chuyển hóa thành tính quyết liệt, ý chí mạnh mẽ, nhất là ở cấp lãnh đạo.
Hai là, thiếu cơ chế thực hiện. Trong bối cảnh Việt Nam đang dần xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng chúng ta lại đang rất cần sự sáng tạo, quyết liệt, thì các vấn đề nổi lên là có dám thử sai không, có dám chấp nhận sai lầm không. Không có câu trả lời rõ ràng, không thể thực hiện được.
Việt Nam luôn có nhiều ý tưởng, đặt ra nhiều vấn đề, nhưng khâu thiết kế và điều chỉnh thiết kế để đảm bảo tầm nhìn, định hướng được thực thi có thể nói là yếu.
Ba là, với nguồn lực hạn chế, trong nhiều vấn đề cần phải làm, thì khó khăn là chọn ưu tiên để tập trung nguồn lực, thể chế, thiết kế thực thi một cách hiệu quả nhất.
Cần sandbox cho công chức
Không phải lần đầu tiên, các vấn đề liên quan đến cơ chế thực thi được cho là nguyên nhân của nhiều sự chậm trễ trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhưng vào thời điểm này, cơ chế thực thi đang đóng vai trò thực sự quan trọng, thậm chí là tiên quyết.
Vì thực tiễn đang biến động nhanh, những đòi hỏi cải cách lúc này phức tạp hơn nhiều, không chỉ là kinh tế, không chỉ là tăng trưởng, không chỉ là bên trong nền kinh tế... nếu không có ý chí chính trị, sẽ rất khó thực hiện…
Nhìn lại những nguyên do gây chậm trễ trong thực thi các kế hoạch tái cơ cấu, cải cách kinh tế, rất rõ để thấy rằng, chúng ta có khát vọng, có ý chí, đã đặt ra được các yêu cầu cải cách, tái cấu trúc, có thể chưa hoàn hảo, nhưng phù hợp với xu thế, bước ngoặt của đất nước, nhưng việc thực thi luôn chậm.
Chính vì vậy, lúc này, chúng ta không chỉ cần sandbox cho start-up mà cần cả sandbox cho công chức, phải chấp nhận thử nghiệm, sai lầm, vì hiện tại, có những xu thế, cải cách chúng ta chưa biết xử lý thế nào. Khi đó, sẽ thúc đẩy trách nhiệm, sức sáng tạo của công chức trong xây dựng chính sách, trong thiết kế thực thi.
Cùng với cơ chế chấp nhận thử sai, đây cũng là thời điểm cần huy động đội ngũ chuyên gia, tư vấn có kinh nghiệm, độc lập, hiểu được các vấn đề kỹ thuật để tham vấn từ tư vấn ý tưởng, đến thiết kế cơ chế thực thi và giám sát. Việc thiết kế thực thi vào thời điểm thế giới đầy biến động, thì cũng cần xác định rõ cơ chế quản trị rủi ro.
Về ưu tiên thực thi, theo tôi, ưu tiên hàng đầu vẫn là cải cách thể chế. Đột phá này cần được thực hiện theo hướng gắn cải cách bên trong với xu thế bên ngoài, gắn với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, phải xác định rõ thể chế kinh tế thị trường, hướng tới chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất.
Thứ hai, xây dựng một nhà nước pháp quyền dựa trên thực tài, có chế độ động lực thưởng phạt, gắn với sáng tạo bên cạnh tuân thủ. Điều này quan trọng, vì bên cạnh sáng tạo trong xây dựng chính sách, thì cần sự sáng tạo trong thực thi.
Thứ ba, trong đột phá nguồn nhân lực, ưu tiên kỹ năng mới và đặc biệt là cải cách đại học và thu hút nhân tài. Trong phát triển khoa học, công nghệ, phải gắn với kinh tế thị trường, khu vực tư nhân. Cách đây vài năm, khi nói về hệ thống sáng tạo đổi mới quốc gia, với mối quan hệ nhà nước, viện nghiên cứu/nhà trường, doanh nghiệp, vai trò nhà nước chi phối, dẫn dắt. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm hệ thống sáng tạo.