Khi di sản bị sân khấu hóa
UNESCO vinh danh, Việt Nam còn đang sở hữu một số lượng lớn các di sản phi vật thể cấp quốc gia, cấp địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào về “kho tàng” di sản đồ sộ, vẫn còn đó những băn khoăn. Trong đó đáng chú ý là câu chuyện đưa di sản tách rời khỏi không gian, môi trường sản sinh ra di sản. Bên cạnh đó, câu chuyện giữ “tính thiêng” của di sản và “sân khấu hóa” dường như vẫn chưa tìm được “sợi dây” kết nối.
Dẫn chứng cụ thể từ việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, sau 6 năm được vinh danh, bước đầu di sản này đã khẳng định sức sống bền vững và có sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của cộng đồng. Tuy nhiên, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hiện có xu hướng thành “cao trào mở phủ, hầu đồng” nên không tránh khỏi những mặt hạn chế cần có biện pháp khắc phục kịp thời. “Từ thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu quan điểm.
“Tứ Phủ” là vở diễn được lấy cảm hứng từ nghi lễ Lên đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam |
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, sau khi được UNESCO ghi danh, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở nên nổi tiếng và được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh đó, một số thanh đồng dưới danh nghĩa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản đã tiến hành nghi lễ hầu đồng bên ngoài các không gian thiêng. Từ đó xuất hiện hình thức được gọi là “hầu đồng sân khấu hóa” hay “hầu đồng văn nghệ”.
Theo bà Loan, trong 5 năm qua, việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nhìn nhận, tổng kết, đánh giá kịp thời thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, chỉ ra những mặt được và chưa được, để từ đó có những đối sách, giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả.
Từ góc nhìn của mình, vị chuyên gia này cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về di sản, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ hơn về Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. “Ở đây, trước hết đóng vai trò quan trọng là các nhà khoa học. Với những hiểu biết chuyên môn thấu đáo, am tường về di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa phải là đội ngũ có tiếng nói tích cực giới thiệu cái hay, cái đẹp, giá trị của di sản đến với dân chúng và phổ biến cách thức thực hành tín ngưỡng theo đúng truyền thống”, GS. Từ thị Loan nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh đến không gian văn hóa sản sinh ra di sản. Ông Sơn dẫn chứng, chẳng hạn như di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phải gắn với các không gian thiêng là các đền, phủ. Nhưng khi bảo tồn di sản, ở nhiều địa phương lại không chú trọng về không gian. Hiện có xu hướng biểu diễn, sân khấu hóa di sản đang phát triển tương đối mạnh ở nhiều địa phương và cả đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL. Nhu cầu biểu diễn càng trở nên phổ biến trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Nhưng có lúc việc tổ chức trình diễn một số tiết mục nghệ thuật của di sản do cơ quan văn hóa cơ sở tổ chức lấy tên chương trình là “Liên hoan trình diễn di sản” là không đúng. Vì thế, khi trình diễn một bộ phận cấu tạo nên di sản thì cần gọi đúng như người Tày đã gọi “Liên hoan hát Then, đàn tính” chứ không gọi là trình diễn di sản thực hành Then.
Ông Sơn cũng chỉ ra một vấn đề khác cần quan tâm là di sản luôn gắn liền với chủ thể - chủ nhân của di sản. “Đặc trưng của di sản là phải gắn chặt với chủ nhân sản sinh ra di sản. Không có sự tham gia của cộng đồng thì di sản đã mất chủ nhân và biến dạng”, TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Có thể thấy, câu chuyện khai thác di sản văn hóa trong cuộc sống hiện nay đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Đa số các ý kiến của giới chuyên gia đều có chung mong muốn sớm có những nhìn nhận, tổng kết, đánh giá kịp thời để chỉ ra những mặt được và chưa được, để từ đó có những đối sách, giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả. Nói như Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, cần đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia sau khi được ghi danh tới nay, trong đó cần nâng cao nhận thức, cách hiểu đúng và đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, về cộng đồng chủ thể của di sản, từ đó có cách ứng xử phù hợp với di sản; nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cán bộ quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng như các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia; nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các bên liên quan…