Khó khăn kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp ngành điện
Khó khăn kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp ngành điện |
Một là giảm, hai là lỗ
Mới đây, báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) cho thấy, lợi nhuận sau thuế (LNST) quý III/2023 giảm mạnh tới 88% so với cùng kỳ, đạt 26 tỷ đồng. Lợi nhuận quý III/2023 của công ty sụt giảm mạnh chủ yếu là do doanh thu sụt giảm tới 41% so với cùng kỳ còn 382 tỷ đồng.
Trước đó, doanh nghiệp cũng đã ghi nhận những dấu hiệu đầu tiên cho đà sụt giảm lợi nhuận khi trong quý II/2023 doanh thu giảm nhẹ và lợi nhuận chỉ tăng 2% so với cùng kỳ.
Tương tự, trong quý III/2023 LNST của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2, mặc dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh nhưng không đủ để bù đắp sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh chính, doanh nghiệp này đã báo lỗ sau thuế 123,8 tỷ đồng. Khoản lỗ này khiến cho lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm tới 64,7% so với cùng kỳ năm 2022 và mới thực hiện 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây của doanh nghiệp.
Chia sẻ một số nguyên nhân, một chuyên gia cho biết, hiện nay nhiều nhà máy phải nhập khẩu than, hoặc sử dụng than trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu. Tuy giá than, khí, dầu đã hạ nhiệt so với đầu năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao nên giá thành sản xuất điện năng từ các nhà máy nhiệt điện vẫn cao hơn mức cơ sở tính toán giá điện hiện nay.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho thủy điện có giá thành rẻ nhất nhưng phụ thuộc lớn vào thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây ảnh hưởng rất lớn đến huy động phát điện từ các nhà máy thủy điện hiện có trên cả nước.
Điện từ năng lượng tái tạo từng rất hấp dẫn nhưng đến nay cũng gặp khó vì chi phí tài chính cao bào mòn lợi nhuận; đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu đang tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp; giá bán điện không đủ bù cho chi phí sản xuất và phân phối điện....
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh suy giảm mạnh tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã phản ánh thực tế bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức cầu tiêu thụ yếu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu; biến động bất thường của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất… đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đặc biệt, theo PGS. TS Trần Đình Thiên phân tích, giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của nhà nước để hỗ trợ các lực lượng yếu thế trong xã hội. Nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng nhưng giá điện vẫn giữ giá rất là thấp, hầu như không đáng kể. Như vậy giá điện vẫn còn mang tính bao cấp. Điều này tạo ra câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng. Do đó, theo các chuyên gia, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp ngành điện vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đã đến lúc cần thay đổi, tính giá điện theo đúng giá thị trường
Để các doanh nghiệp trong ngành điện có cơ hội trong thời gian tới, cần điều chỉnh giá bán điện hợp lý. Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
Nguyên nhân này cũng xảy ra đối với điện năng lượng tái tạo. Báo cáo của Đoàn giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” vừa qua cũng chỉ ra rằng, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; giá điện chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng...
Do đó, theo các chuyên gia, cần có công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện hoàn thiện; xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần; điều chỉnh giá truyền tải điện để thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất, việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết. Đã đến lúc cần thay đổi, tính giá điện theo đúng giá thị trường. Tuy nhiên cần tách bạch phần hỗ trợ cho nhóm yếu thế riêng để tránh cho doanh nghiệp ngành điện phá sản.
Bên cạnh đó, trước đây, Việt Nam chuyển giá lương thực sang giá thị trường đã tạo ra sự nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta chuyển nhanh giá điện sang giá thị trường như giá lương thực thì sẽ tạo ra được đột phá về tăng trưởng kinh tế.