Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là vướng mắc pháp lý
Tại báo cáo này, HoREA đánh giá cao NHNN đã chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, nhất là mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2022.
Hiệp hội hoan nghênh NHNN đã quyết định tổ chức “Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản” vào ngày 8/2/2023 để lắng nghe và xem xét giải quyết các khó khăn, “vướng mắc” trong việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư nhằm thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Theo ông Châu, bên cạnh “vướng mắc pháp lý” chiếm đến 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, vấn đề “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn” và các khoản vay tín dụng đến hạn, kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc “nhảy” nhóm nợ xấu hơn trong một số trường hợp đang là vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng. Do đó, HoREA kiến nghị cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm với lãi suất vay hợp lý.
Những giải pháp trên theo ông Lê Hoàng Châu giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn có tính sống còn trong năm 2023, đồng thời giúp người mua nhà được vay vốn tín dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Điều này cũng có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.
HoREA cũng cho rằng, một số quy định của NHNN hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn như Thông tư 16/2021/TT-NHNN vênh với Nghị định 65/2022/NĐ-CP về quy định cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành...
HoREA kiến nghị NHNN xem xét ban hành thông tư mới, tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm. Đồng thời, xem xét giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung - dài hạn thêm 12 tháng.