Khoan sức doanh nghiệp bằng chính sách thuế
Hơn 147.000 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, lệ phí được miễn giảm, gia hạn cho doanh nghiệp |
Nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời
Trong kiến nghị vừa gửi đến Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích của các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua.
Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ của VCCI, tính đến hết tháng 7/2021, các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng gần 100 văn bản về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Quả vậy từ đầu năm 2021 tới nay, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã liên tục có những chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Nổi bật là Nghị định 52/2021/NĐ-CP được ban hành ngay trong tháng 4 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3 đến 6 tháng.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4 |
Theo Tổng cục Thuế, đến nay đơn vị này đã nhận 64.743 đơn đề nghị gia hạn thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất với tổng giá trị là 35.247 tỷ đồng.
Ngay trong tháng 6, khi doanh nghiệp xoay vần trong cơn bão dịch lần thứ 4, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn giảm 30 loại phí, lệ phí.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thuế, phí rất quan trọng với doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc giãn, hoãn thuế ngay lập tức đã có hiệu quả, giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để trả lương cho công nhân, mua sắm nguyên liệu, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh... Thủ tục cũng ngày càng thông thoáng hơn, theo hướng tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Theo ông Thịnh, đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh cân đối thu chi ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài các giải pháp về thuế, phí, các chính sách khác cũng được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao đó là việc giảm lãi suất đến từ phía ngân hàng. Thực hiện lời kêu gọi của NHNN, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Không ít ngân hàng giảm lãi suất cả các khoản vay cũ lẫn các khoản vay mới...
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã được thông báo về việc giảm lãi suất của ngân hàng. Đây là một hỗ trợ kịp thời và thiết thực để giúp doanh nghiệp giảm tải gánh nặng chi phí, có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, giảm lãi suất không đủ sức để “cấp cứu” doanh nghiệp mà cần đồng bộ thêm nhiều giải pháp nữa, đặc biệt là các chính sách mạnh mẽ hơn về thuế, phí.
Cần thực chất hơn
Thực tế cho thấy đợt dịch lần thứ 4 đang tiếp tục khiến doanh nghiệp chìm trong khó khăn, đặc biệt việc 19 tỉnh thành phía Nam và Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Tính đến ngày 27/7, đã có hơn 430 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo kết quả kinh doanh riêng lẻ và hợp nhất quý II/2021, trong đó có đến gần 200 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng quý II/2021 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 40 doanh nghiệp báo lỗ.
Trong khi đó, theo đúng lịch giãn, hoãn thuế của Nghị định 52, từ tháng 9 đến cuối năm nay các doanh nghiệp sẽ phải đóng các khoản thuế. Đây là một nỗi lo đối với nhiều doanh nghiệp khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, có thể nghiên cứu chính sách giảm thêm một số loại thuế, phí như: Giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô, giảm 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021…
Hiệp hội các doanh nghiệp cũng mong muốn có thể kéo dài việc giãn, hoãn các loại thuế đến giữa hoặc cuối năm 2022 để doanh nghiệp có thời gian để phục hồi.
Trước việc một số doanh nghiệp đề nghị giảm thuế GTGT, ông Thịnh cho rằng, đây thực chất là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng chứ không phải doanh nghiệp. Hơn nữa, đó là chính sách giảm lâu dài về thuế chứ không phải giải pháp trước mắt. Một khi đã giảm thì việc tăng lên rất phức tạp. Thay vào đó, các bộ, ngành có thể tính toán thêm việc giảm tiền điện, nước… để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng kiến nghị một số giải pháp như: Sớm ban hành Luật sửa đổi Luật thuế TNDN để thể chế hoá nội dung về mức đóng thuế TNDN thấp hơn cho DNNVV đã quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV 2017. Xây dựng và ban hành nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho giai đoạn mới 2021-2025. Đề nghị Chính phủ rà soát, miễn và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp...
Đồng thời nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.
VCCI cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp. Song hành với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện Bộ được Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí, tới đây sẽ báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định về gói hỗ trợ này. Theo đó, dự kiến gói hỗ trợ tầm khoảng 24.000 tỷ đồng. Cùng với đó, bộ cũng đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đến hết ngày 1/1/2022 (thời hạn cũ là 1/8/2021). |