Khởi động mùa du lịch cuối năm
Đây cũng là cơ hội để phát triển du lịch bền vững với ưu tiên chính là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ, vào thời điểm cuối năm, ngành du lịch đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương xứng; tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ tiếp tục diễn ra.
Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ thu hút lượng khách lớn tham quan dịp Tết Dương lịch. |
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để du lịch phục hồi bền vững sau dịch bệnh Covid-19, bên cạnh du lịch nội địa cần có các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế nhằm tiếp tục giữ và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch lớn tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, thời gian tới cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, nhất là về kỹ năng mềm, chú ý ứng dụng mạnh mẽ công nghệ. Có thể nói ngành du lịch Việt đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Cơ hội là thế nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước.
Trong năm 2022, mục tiêu mà ngành du lịch đặt ra là đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, mới đây, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế. Ngành du lịch đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải tạo điều kiện, đề nghị các hãng hàng không tiếp tục mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ và thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.
Ngành du lịch cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, đề xuất mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực điện tử, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, từ đó tăng nguồn thu từ du khách.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp giới thiệu, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến trực tiếp, kết nối doanh nghiệp; cập nhật chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, từ đó có điều chỉnh hợp lý trong công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch. Đồng thời, cũng cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Mặc dù đã có nhiều điều kiện mở rộng thị trường du lịch quốc tế, nhưng theo các đơn vị lữ hành, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, sự bất ổn về chính trị tại một số quốc gia và chính sách visa ở một số nước chưa thông thoáng đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Mặt khác, do sự chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ và tiền Việt Nam, nên một số tour outbound sẽ tăng hơn trước khoảng 10-15%; một số dịch vụ tour Tết cũng tăng từ 20-30% so với ngày thường.
Trước vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các đơn vị cần cập nhật thông tin thường xuyên với các đại sứ quán để có chính sách phù hợp cũng như hướng dẫn cụ thể cho du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị cần có sự liên kết chặt chẽ để tạo thành liên minh tổ chức tour, nhằm bảo đảm sự ổn định, chất lượng dịch vụ tour, nhất là đối với những tour đi nước ngoài.
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, khi lựa chọn dịch vụ, du khách nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, lựa chọn những đơn vị uy tín để tránh rủi ro.