Khởi sắc vùng “trắng” “tín dụng đen" (Kỳ 1)
Kỳ 1: Khởi sắc nhờ nguồn vốn tín dụng
Trước đây, vì không có tiền đầu tư, mua vật tư, phân bón để chăm sóc mía nên chị Đinh Thị Ren, làng Chro Ktu Đăk Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ đã phải vay nóng vốn cơ sở kinh doanh trong làng để mua giống, phân bón, vật tư sản xuất. Sau khi thu hoạch, chị phải trả bằng nông sản, tính ra lãi suất rất cao nên sau một vụ sản xuất, gia đình chị không có dư dả để tích lũy. Từ khi được vay vốn của NHCSXH huyện 50 triệu đồng; chị Ren đã dùng 30 triệu đồng để mua phân bón chăm sóc diện tích mía và mua bò sinh sản, 20 triệu đồng còn lại chị đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh nước sạch cho gia đình. Hiện gia đình chị đã thoát diện hộ nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang. Chị Ren chia sẻ: “Trước kia không có tiền nên bắt đầu mùa vụ cần đầu tư là toàn vay bên ngoài. Họ cho mình vay đến mùa thu hoạch thì họ lấy nông sản, làm miết mà không có dư. Mấy năm nay vay vốn Ngân hàng chính sách, lãi suất thấp nên làm ăn cũng đỡ hơn, mình cũng có thể tiết kiệm gửi vào ngân hàng mỗi tháng”.
Những hộ như gia đình Đinh Thị Ren ở xã Yang Bắc bây giờ không hiếm gặp. Toàn xã có gần 1.200 hộ dân với hơn 80% là người dân tộc Bahnar, sinh sống tại 8 làng, trong đó có 5 làng đặc biệt khó khăn. Đời sống của người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào thu nhập từ trồng mía, mỳ. Những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình Mục tiêu quốc gia, sự đồng bộ trong triển khai chính sách giảm nghèo, phát triển đời sống kinh tế xã hội cho Nhân dân. Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tiếp cận vốn vay Ngân hàng chính sách để đầu tư vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có Yang Bắc có 619 hộ vay vốn của NHCSXH với dư nợ hơn 5,3 tỷ đồng. Đa phần nguồn vốn vay các hộ dân đầu tư hoàn thiện điều kiện sống, phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc lớn. Ông Võ Viết Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ chia sẻ: “Các hộ vay trung bình từ 30-50 triệu đồng/người, bà con chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi bò, hay đầu tư trồng mía. Hiện tại, đàn bò của xã có khoảng gần 4.000 con. Nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách lãi xuất ưu đãi, mà nay tình trạng vay nóng, tín dụng đen trong dân hầu như không còn. Đây là điều cấp ủy chính quyền xã mừng nhất sau nhiều năm cùng làm công tác vận động tuyên truyền”.
Yang Bắc, Đak Pơ hôm nay |
Gần kề Đăk Pơ, Kongchro là huyện nghèo duy nhất của tỉnh Gia Lai, với 70% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Cứ vào đầu vụ sản xuất, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các thôn làng trên địa bàn huyện lại phải vay “nóng” tại các đại lý phân bón, đại lý nông sản ....với lãi suất rất cao. Các hộ vay với nhiều hình thức như: bằng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc bằng tiền mặt. Một số vừa xuống giống rẫy mì đã “bán non” cho thương lái để lấy tiền tiêu dùng. Nhiều nơi không trả được nợ phải gán đất, bán rẫy cho tư thương. Hoạt động tín dụng đen ngày càng trở nên phổ biến dưới nhiều hình thức, gây rất nhiều hệ lụy trong đời sống người dân. Vay nợ, tiêu dùng trước, làm trả nợ sau khiến nhiều hộ dân giải quyết được nhu cầu trước mắt nhưng hầu như không có tích lũy. Làm mãi cũng không thoát được đói nghèo.
Đó là thực trạng của vài năm trước. Đến với những thôn làng vùng đồng bào DTTS của huyện Kông chro hôm nay, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, các ngành chức năng và chính sách tín dụng được triển khai rộng rãi đến từng hộ dân, đã đẩy lùi, căn bản được tình trạng “tín dụng đen” trong dân.
Gia đình anh Đinh Văn Poi ở làng Tờ Nùng, xã Ia Ma, huyện Kông Chro có nhiều năm là hộ nghèo. Năm 2022 anh bắt đầu được tiếp cận với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh Hội Nông dân xã với số tiền 30 triệu đồng. Anh đầu tư mua 2 bò cái sinh sản, làm lại chuồng trại và trồng thêm cỏ voi để đàn bò có thức ăn tốt khi không có thời gian chăn dắt. Đến nay, đàn bò của anh đã tăng lên 5 con, chưa tính số bò anh bán đi lấy tiền làm nhà. Chăn nuôi kết hợp với trồng mía, mì, có việc vợ chồng lại đi làm thuê để có thêm thu nhập trả gốc, lãi và tiết kiệm hàng tháng. Năm ngoái gia đình anh đã chính thức thoát diện hộ nghèo. Phấn khởi hơn cả là anh không còn phải đi vay nóng tiền mỗi khi có việc lớn như những năm trước đây. Với đàn bò đang không ngừng sinh trưởng, khỏe mạnh sẽ là vốn tích lũy để đưa kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển hơn. Anh Đinh Văn Poi tâm sự: “Mình nghĩ không vay vốn Ngân hàng thì chắc khó mà có được cuộc sống như ngày hôm nay, đỡ hơn trước nhiều rồi”.
Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nghèo huyện Kông Chro đã ổn định đời sống |
Toàn xã Ya Ma, huyện Kông Chro có 426 hộ, trong đó có 266 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo. 100% hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS. Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân “nói không với tín dụng đen”, mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, số hộ dân được tiếp cận vốn tín dụng ngày càng tăng. Tổng dư nợ toàn xã hiện đạt gần 13 tỷ đồng với trên 90% hộ dân đã được vay vốn chính sách.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kongchro cho biết: “ Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người DTTS, số hộ vay là đồng bào DTTS tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện là 6.195 hộ, chiếm 80,6% dư nợ. Tỷ lệ hộ được tiếp cận vốn tín dụng chính sách đạt 60,06%/tổng số hộ dân toàn huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất thấp, thủ tục công khai minh bạch nên người dân dễ tiếp cận. Nhờ kịp thời đưa nguồn vốn đến với người dân nên đã hạn chế tối đa việc vay nặng lãi, tình trạng tín dụng đen trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện”.
Vốn tín dụng chính sách góp phần xây dựng Nông thôn mới Kông Chro |
Vốn tín dụng chính sách bao phủ rộng rãi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn đã giải quyết những vấn đề bức thiết của người dân. Nhờ có nguồn vốn chính sách, bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã thay đổi nhận thức, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tín dụng chính sách đã thực sự trở thành đòn bẩy kinh tế, kích thích hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, tập tính toán, lo toan làm ăn, dần tiếp cận với sản xuất hàng hóa, tạo nguồn lợi từ vốn vay để cải thiện sinh kế.