Khởi sắc vùng “trắng” “tín dụng đen" (Kỳ 2)
Khởi sắc vùng “trắng” “tín dụng đen" (Kỳ 1) |
Kỳ 2: Đồng bộ các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”
Trước thực trạng hoạt động "tín dụng đen" xảy ra phức tạp ở các địa bàn vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, thực hiện Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 14 ngày 14/6/2018 của về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40 –CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai thực hiện nội dung các chỉ thị, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, nhất là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, góp phần hạn chế “Tín dụng đen” ở nông thôn.
Họp Hội đồng quản trị NHCSXH chi nhánh tỉnh Gia Lai |
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ tỉnh đến huyện được kiện toàn với thành viên là lãnh đạo UBND tỉnh, Phó UBND các huyện, thị xã, Thành phố, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn…Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cùng vào cuộc với đa dạng các hình thức truyền thông. Trong đó các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã tích cực vào cuộc, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về phương thức hoạt động, hậu quả của “tín dụng đen”, sử dụng “tín dụng an toàn” đến các thôn, làng, nhất là các làng dân tộc thiểu số. Song song với công tác tuyên truyền, Hội Phụ nữ các cấp tập trung khai thác nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với các chương trình vay vốn, hướng dẫn chị em biết tính toán, chi tiêu hợp lý, đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai kiểm tra hộ vay |
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai Rơ Chăm H’Hồng cho biết: “Để đẩy lùi “tín dụng đen”, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với lực lượng Công an có nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật, thủ đoạn và những hệ lụy của nạn “tín dụng đen” đến hội viên. Đặc biệt, các cấp hội phát huy có hiệu quả và nhân rộng các Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tín dụng đen”, các mô hình tiết kiệm “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”…; hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn Tín dụng Chính sách để phát triển kinh tế”. Đối với hội viên phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đề nghị chị em hãy nói không với “tín dụng đen”, tích cực lên án, tố giác tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, khi gặp khó khăn, hãy trao đổi với người thân hoặc các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ.
Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lãnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần đẩy lùi, tạo những “vùng trắng” tín dụng phi pháp, tín dụng đen, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, tín dụng chính sách đã triển khai đến 100% thôn, làng, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai. Bình quân hàng năm tăng trưởng tín dụng đạt từ 10% trở lên. Dư nợ tín dụng đến nay đạt 7.288 tỷ đồng, với 156.574 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bên cạnh dành nguồn vốn ngân sách ủy thác, các địa phương cũng chú trọng thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Vốn vay NHCSXH đã đã giúp cho hơn 55.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp cho gần 15.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học; tạo điều kiện cho 53.968 lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; xây dựng 242.017 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng 3.022 căn nhà cho hộ nghèo và người dân tộc thiểu số. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 giảm từ 12,09% xuống còn 6,06% vào năm 2024; 91 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hội viên phụ nữ tham gia tuyên truyền “Tín dụng đen” |
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí khẳng định rằng: “Những thành quả vươn lên thoát nghèo bền vững tại Gia Lai là trái ngọt của việc Gia Lai đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Chỉ thị đã tạo bước chuyển biến mới cho toàn bộ hoạt động của tín dụng chính sách địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”.
Với sự kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay NHCSXH của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể tỉnh Gia Lai, vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên. Người dân được tiếp cận vốn kịp thời để tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở, đầu tư cho con cái đi học… từng bước thoát nghèo. Đẩy lùi "tín dụng đen" ở các vùng nông thôn, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Chí - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai |
Đánh giá về hiệu quả và sức ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cho biết: Việc đưa Chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống đã tạo sức mạnh lớn, và nguồn lực quan trọng, làm đòn bẩy để Gia Lai hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội trong việc phát triển kinh tế. Đây được xem là giải pháp quan trọng để đưa tính dụng chính sách đến người dân, hạn chế, đẩy lùi tình trạng tín đụng đen trong Nhân dân.
Hành trình làm cầu nối của NHCSXH dẫn vốn tín dụng chính sách đến đồng bào DTTS luôn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hợp ý của Nhân dân. Từ đây đời sống đồng bào các DTTS tỉnh Gia Lai có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, giảm dần chênh lệch giữ các vùng trong tỉnh. Hạn chế và đẩy lùi hoạt động của tín dụng đen, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.