Khống chế giờ làm thêm tối đa: Cần hài hòa quan hệ các bên
Làm thêm giờ: Luật cần điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn | |
Lao động giỏi nhảy việc, DN đau đầu |
Ảnh minh họa |
Có thể khẳng định Bộ luật Lao động là rất quan trọng khi điều chỉnh một lĩnh vực khá rộng với các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tới tất cả các thành phần kinh tế, mọi DN, các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Vì thế, Bộ luật này không thể “nghiêng” về phía nào mà phải có một cái nhìn khách quan và đảm bảo lợi ích không chỉ người lao động, người sử dụng lao động mà còn phải đảm bảo cả lợi ích kinh tế quốc gia.
Hiện, phía DN và chủ sử dụng lao động cho rằng dự thảo đang “bóp nghẹt” DN và ngăn cản cơ hội tăng thu nhập của người lao động; hay quy định trả công lũy tiến theo giờ làm sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, DN mất dần sức cạnh tranh. Các nước khác chỉ khống chế giờ làm thêm trong năm. Hơn nữa, thực tế sản xuất còn theo mùa vụ và có những công việc phải kéo dài liên tục không thể gián đoạn...
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nói rằng: “Ban hành luật là để phục vụ DN chứ không phải để DN bị cắt hợp đồng”. Nếu những nội dung như dự thảo được ban hành sẽ có tới 82% số DN phải vi phạm về giờ làm thêm. DN vi phạm quy định dù là quy định đó bất hợp lý thì đối tác nước ngoài cũng sẽ không ký tiếp hợp đồng, đó là điều nguy hiểm của những quy định không thực tế.
Chưa kể nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật hiện nay đang vi phạm quyền được làm việc của người lao động và quyền được chủ động của DN mà Hiến pháp đã quy định. Theo như PTS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tinh thần làm luật tại dự thảo luật này vẫn dựa trên mối quan hệ chủ - thợ thiên lệch và chỉ nghĩ đến đối tượng lao động chân tay mà thôi vì thế mới nảy sinh những bức xúc và những cuộc đối thoại căng thẳng kéo dài.
Trong khi người lao động và người sử dụng lao động cần được đối xử công bằng và bình đẳng, ngang nhau với quyền được thỏa thuận. Người lao động có quyền được làm việc và cũng có quyền từ chối công việc, người lao động có quyền nhận hay không nhận việc… Trên thực tế là số đông người lao động luôn cần tăng thu nhập, không ít người lao động ra khỏi nơi làm việc này là làm việc khác liên tục để tăng thu nhập. Nếu tăng giờ làm thêm ngay tại nơi làm việc chính cũng là một biện pháp tạo thêm cơ hội cho người lao động.
Đặc biệt với lực lượng lao động trí tuệ, lao động sáng tạo - lực lượng lao động chủ yếu trong tương lai, của thời đại công nghiệp 4.0. Nếu Bộ luật Lao động sửa đổi không bao quát được đối tượng lao động mới này thì sẽ lạc hậu ngay khi được ban hành. Đơn cử nghiên cứu khoa học, thí nghiệm thử nghiệm không thể đứt quãng giữa chừng vì hết khung giờ làm thêm…
Cũng cùng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – TS.Vũ Tiến Lộc nói rằng, cứ như dự thảo này thì Việt Nam sẽ không bao giờ có Alibaba, không bao giờ có Microsoff…
Vị Chủ tịch của VCCI phát biểu. “Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần lắng nghe ý kiến thực tiễn, phải xem trái tim của nền kinh tế đang đập như thế nào, chứ không chỉ là khát vọng, phải đứng trên đôi chân của mình và đôi chân này phải đứng trên mặt đất chứ không phải ở trên trời”.
Thị trường lao động cạnh tranh sẽ là người điều tiết cân bằng, và phía giới chủ cũng phải chăm lo và tạo điều kiện cho người lao động để tuyển được và giữ được người lao động. Nhà nước phải trả quyền cho thị trường.
Hơn nữa, người lao động còn có công đoàn, có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bảo vệ họ. Hãy để thương lượng tập thể phát huy vai trò, đừng đưa ra khung quá cứng để can thiệp vào chuyện này", đại diện cho chủ sử dụng lao động, Chủ tịch VCCI phát biểu.
Theo dự kiến, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10/2019). Quá trình làm luật là quá trình cần có sự thỏa thuận và thương lượng, làm thế nào để có thể đưa ra ý kiến tốt nhất, để sớm có được bộ luật hài hòa hóa quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động để DN phát triển, người lao động tăng thu nhập và đất nước giàu mạnh.