Không còn phụ thuộc vào giá xăng dầu
Ảnh minh họa |
Giám đốc HTX Vận tải Thủy bộ Đoàn kết (đường Trần Hưng Đạo, TP. Long Xuyên) cho biết, ban chủ nhiệm HTX vừa có cuộc họp bàn với một số đối tác, khách hàng lớn vào chiều 18/12/2015 vừa qua, ngay sau khi giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh giảm thêm gần 400 đồng/lít đối với xăng RON 92 và từ hơn 900 đồng đến gần 1.300đồng/kg với dầu các loại.
HTX đã nhanh chóng đưa ra phương án giảm thêm 10.000đ/tấn hàng để có mức giá chỉ còn 220.000đ/tấn thay vì 230.000đ/tấn hàng như trước kia. Tất nhiên khách hàng là những người hưởng lợi trước tiên.
Sở dĩ, DN quyết định nhanh chóng như vậy là bởi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành vận tải, vận chuyển nếu không lấy yếu tố phục vụ “thượng đế” làm trọng tâm thì rất khó giữ chân được bạn hàng gắn bó lâu năm.
Hiện tại, HTX đang có số lượng 300 đầu xe tải và khoảng hơn 200 xe chạy hợp đồng, sự điều chỉnh giá xăng dầu lên xuống liên tục tính từ đầu năm 2015 đến thời điểm hiện tại là 18 lần (6 lần tăng và 12 lần giảm) thì bắt buộc DN phải có cơ chế linh hoạt về giá cước đối với khách hàng.
Thực tế, thời gian qua chuyện giá xăng dầu lên xuống đã trở thành chuyện thường tình bởi đó là sự vận động của thị trường, đối với giá cả vận tải, vận chuyển thì "nước lên thuyền lên, nước xuống thuyền xuống".
Nhưng tâm lý chung của các DN kinh doanh trong lĩnh vực này là mong giá xăng dầu ổn định vì mỗi lần thay đổi thường kéo theo nhiều vấn đề phức tạp bởi khách hàng nào hiểu, thông cảm cùng bàn bạc thì dễ đi đến thống nhất, ngược lại một số khách cứ thấy xăng dầu xuống lại tìm cách ép giá.
Đó là chưa nói đến chuyện phải xin phép cơ quan quản lý về mức điều chỉnh, công bố niêm yết biểu giá công khai... đều làm tăng chi phí cho DN. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, cung nhiều cầu ít nên nếu không cân đối mức giá hợp lý, thị phần sẽ bị thu hẹp lại.
Còn theo tính toán của anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc DNTN Vận tải Thành Công (Quận 9, TP. HCM), các loại xe đầu kéo chạy dầu, từ mức giảm giá cuối tuần qua, mỗi chuyến xe chạy 100 km trung bình tiêu thụ hết 40 - 50 lít dầu (đúng tải) cũng dư được khoảng 100.000 đồng/xe.
Đối với những DN có khoảng 30 đầu xe như DN của anh Thành, thì cái lợi trước mắt cũng chẳng dôi dư được là bao nhưng về lâu dài sẽ tạo cơ hội cho công ty có điều kiện cân đối lại giá thành, lợi nhuận. Thông thường xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% trong tổng cơ cấu chi phí giá thành đầu vào (đối với xe vận chuyển trở hàng hóa) và chiếm tỷ trọng cao hơn đối với xe taxi, xe chở khách nên bao giờ cũng có tác động rõ rệt đến giá thành đầu ra, nhất là đối với những đợt điều chỉnh tăng giảm có biên độ dao động lớn.
Và theo nhận định của nhiều DN tại TP. HCM, khi giá xăng dầu điều chỉnh xuống thường không tạo ra lợi nhuận trực tiếp cho các DN kinh doanh mà chủ yếu là lợi ích gián tiếp, tác động đến giá của một số loại hàng hóa tiêu dùng không tăng hoặc giảm nhẹ, kích thích sức cầu khiến thị trường lưu thông tạo ra nhu cầu mua bán, vận chuyển, vận tải gia tăng theo.
Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh An Giang, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập với các hiệp định WTO, FTA, TPP đã “sát sườn”. Các DN trong và ngoài nước, quy mô lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau đều phải vận động, cạnh tranh trong một môi trường bình đẳng.
Vì vậy, nếu các DN vận tải trong nước không nhanh chóng thích nghi, nâng cao trình độ quản trị điều hành, tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức, hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí... đối với hành khách, người tiêu dùng thì ở đâu cung cấp hàng hóa, dịch vụ giá rẻ, chất lượng tốt sẽ được thị trường đón nhận, chứ không có bất kỳ sự bảo trợ hay phân biệt đối xử nào.