Không để ai bị bỏ lại phía sau
Điểm tựa vững chắc cho người dân, doanh nghiệp vươn lên sau bão Ngân hàng tiếp sức khách hàng phục hồi sau bão |
Những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là quá lớn với gia đình bà Vũ Thị Choen |
Những giọt nước mắt sau cơn bão
Trước ngày bão đổ, nghe dự báo thời tiết về mức độ nguy hiểm của cơn bão, ông Cương đã làm đủ mọi phương án để phòng chống bão, mang thùng xốp đổ đầy nước cố giữ lấy mái nhà. Thế nhưng cơn cuồng phong quá mạnh nhấc cả mái nhà lên, may mắn khi hai vợ chồng ông Cương thoát chết trong gang tấc, vội vào làng để trú ẩn. Sáng hôm sau khi cơn bão qua đi, vợ chồng ông vội vã ra thăm trang trại thì nước đã ngập sâu cả mét, tất cả tài sản cuốn trôi theo dòng nước. Căn nhà che nắng che mưa bị mất hoàn toàn mái, 9 gian chuồng lợn bị hư hỏng nặng, đàn gà 150 con mà ông dự định bán dịp Trung thu chết thành đống, ao cá khoảng 13-14 tấn cá cũng mất sạch… tính sơ thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Hai vợ chồng ông Cương không kìm nổi nước mắt khi kể chuyện với chúng tôi. “Tôi lấy cám ra cho cá ăn, mà không có con nào ngoi lên như mọi ngày. Lúc ý tôi biết mình đã mất hết. Tôi đã 63 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào lớn thế này. Đau xót lắm”, ông Cương nghẹn ngào nói. Còn vợ ông bà Vũ Thị Choen đã ngã quỵ vào giây phút nhìn thấy căn nhà trơ trọi.
Ông Mạc Như Cương, người dân ở xã Ngũ Đoan, Kiến Thuỵ, Hải Phòng lau những giọt nước mắt “của đau, con xót” khi các chuồng nuôi gà, nuôi lợn giờ đây chỉ còn lại những bức tường trơ trọi |
Xót xa, thương cảm là cảm xúc của các lãnh đạo, cán bộ QTDND Ngũ Đoan (xã Ngũ Đoan, Hải Phòng) khi xuống thăm nhà ông Mạc Như Cương. Bà Mạc Thị Oanh, Giám đốc QTDND Ngũ Đoan cho biết, bà đã bật khóc khi nhìn thấy vợ chồng ông Cương ở trong căn nhà tạm che bằng tấm bạt sau cơn bão. Đã 12 năm nay, ông Cương là khách hàng thân thiết của QTDND Ngũ Đoan. Nhờ nguồn vốn của Quỹ từ khoản vay đầu tiên 5 triệu đồng đến nay đã là 430 triệu đồng, vợ chồng ông xây được nhà, nuôi 3 người con ăn học trưởng thành, mua xe máy cho con đi làm. Có bao nhiêu vốn liếng tích góp, vợ chồng ông đầu tư vào trang trại nuôi gà, lợn, cá. Trước những thiệt hại của khách hàng, bà Oanh cho biết, ngay lập tức Quỹ trích 5 triệu đồng để hỗ trợ gia đình khắc phục thiệt hại, lợp lại mái nhà cho chắc chắn, đồng thời giảm 0,5%/năm lãi suất với khoản vay hiện tại. “Còn người là còn của, có sức người chúng ta không sợ gì cả. Quỹ sẽ tiếp tục cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, đồng hành cùng gia đình vượt qua khó khăn, làm lại từ đầu. Chúng tôi nhất định sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Oanh nắm tay ông Cương động viên.
Cách nhà ông Cương không xa là gia đình ông Vũ Kim Cường cũng chăn nuôi vịt, lợn, cá vược. Sau cơn bão lịch sử, gia đình ông Cường bị thiệt hại gần 400 triệu đồng khi 2/3 số cá vược đủ trọng lượng, sắp bán giờ trôi theo dòng nước; gần 2000 con vịt chết. Ông Cường cho biết: “Lúc bão tới, xã yêu cầu phải di dời đến nơi an toàn hơn, vợ chồng tôi chỉ biết chạy lấy người còn tài sản đành bỏ lại”. Ngay khi bão tan, cán bộ Quỹ tín dụng cũng nhanh chóng xuống động viên gia đình và hỗ trợ 3 triệu đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho gia đình vay thêm 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi hơn so với thông thường để tái đàn, làm lại sau bão. “Tự dặn lòng mình phải tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng. Bão tan mình làm lại, với nguồn vốn ưu đãi, tôi sẽ tiếp tục tái đàn, chăn nuôi để có tiền trả nợ cho Quỹ, tiếp tục vực lại kinh tế gia đình”, ông Cường chia sẻ.
Gia đình ông Cương, ông Cường là hai trong số hàng chục nghìn khách hàng của các TCTD trên địa bàn tỉnh Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng cho biết, đến thời điểm 24/9/2024, theo báo cáo của các đơn vị trên địa bàn, có tổng số 13.605 khách hàng với tổng dư nợ là 27.783 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nhanh chóng có nhiều biện pháp quyết liệt để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Đến hiện tại, các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ dự kiến là 146 khách hàng, tổng dư nợ là 113 tỷ đồng; Miễn giảm lãi vay dự kiến cho 294 khách hàng, tổng dư nợ là 2.841 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cho vay mới dự kiến khoảng 7.184 khách hàng, doanh số cho vay dự kiến là 823 tỷ đồng, chủ yếu là những khoản cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người dân có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, đối tượng vay vốn thuộc diện hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Là ngân hàng có dư nợ lớn trên địa bàn Hải Phòng và cũng là ngân hàng có nhiều khách hàng bị ảnh hưởng của bão, bà Hồ Thị Hồng Thắm, Giám đốc Agribank Đông Hải Phòng cho biết, không thể quên cảm giác khi xuống tận nơi nhìn lợn, gà của người dân chết thành đống, chuồng trại tan hoang. Kể từ khi bão tan đến nay, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã đến nhà khách hàng để cùng dọn dẹp, thống kê thiệt hại. Bà Thắm cho biết, chi nhánh có 1.050 khách hàng ảnh hưởng với thiệt hại 1.430 tỷ đồng. Ngân hàng đã giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng trên. “Ngân hàng xác định quý 4 không có lợi nhuận trong kinh doanh, toàn bộ lợi nhuận dành để giảm lãi suất tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi chấp nhận khả năng không đạt chỉ tiêu về tài chính để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay và sớm hồi phục trở lại”, bà Thắm chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Ninh cho biết đã nhanh chóng đến tận nhà máy để nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng, đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ |
Cùng doanh nghiệp tái thiết sau bão
Bão đã đi qua được gần một tháng nhưng CTCP thương mại và dịch vụ Minh Hồng (Quảng Ninh) vẫn chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường. Ông Lê Nhật Khang, kế toán trưởng của công ty cho biết, hiện tại 80 nhân công của công ty chỉ còn giữ được một ca làm. Là nhà máy giặt là lớn trên địa bàn, chuyên cung cấp dịch vụ giặt là cho các tàu du lịch và khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Công ty Minh Hồng có doanh thu mỗi năm từ 50-60 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cơn bão Yagi đi qua đã gây ra thiệt hại lớn cho nhà máy, cơ sở vật chất bị hỏng, trị giá ước tính khoảng hơn 2 tỷ đồng. Vừa chịu thiệt hại trực tiếp, Minh Hồng cũng thiệt hại gián tiếp khi các tàu du lịch, khách sạn trên địa bàn là khách hàng thân thuộc vẫn chưa trở lại hoạt động. Trong đó có khách sạn dự kiến dừng hoạt động đến hết tháng 12. Công nợ không thể thu, doanh thu tháng 9 bị sụt giảm 50%, dòng tiền của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trước thiệt hại của khách hàng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Ninh phụ trách khách hàng doanh nghiệp cho biết, ngân hàng đã nhanh chóng xuống tận nhà máy để nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng, đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngay trong kỳ nợ của tháng 9. Ngân hàng cũng tiến hành hỗ trợ giảm lãi suất để đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc trả lãi. Ông Khang cho biết, những san sẻ kịp thời từ phía ngân hàng giúp doanh nghiệp vững tâm hơn để vượt qua khó khăn trước mắt, chờ ngày du lịch hồi phục có thể hoạt động bình thường.
Công ty Minh Hồng là 1 trong 138 khách hàng vay vốn của BIDV chi nhánh Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ gần 3.500 tỷ đồng. Ông Thành cho biết, ngay sau khi cơn bão đi qua, dưới sự chỉ đạo của NHNN, ngân hàng nhanh chóng rà soát, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Qua đó giúp khách hàng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hiện hỗ trợ được 112 khách hàng với dư nợ 2.200 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ là 4,2 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát để hỗ trợ khách hàng nhiều hơn nữa. Đồng thời, mạnh dạn cho vay mới để khách hàng có dòng tiền tái thiết hoạt động kinh doanh sau bão.
Cũng có 136 khách hàng bị thiệt hại sau bão, bà Vũ Vân Anh, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh chia sẻ thêm, tính đến 30/9/2024, Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay đối với hơn 600 khoản vay của khách hàng, tương đương với tổng dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Theo đó, các khách hàng vay vốn bằng đồng VND phục vụ sản xuất kinh doanh bị thiệt hại bởi bão số 3 và đáp ứng tiêu chí về địa bàn, ngành nghề được Vietcombank hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 2%/năm. Thời gian áp dụng từ ngày 06/09/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến 02/10/2024, các TCTD trên toàn địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 575 khách hàng với dư nợ 774,9 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với 2.367 khách hàng, với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 9.634,7 tỷ đồng (mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng và mức độ thiệt hại). Đồng thời, thực hiện cho vay mới đối với 545 khách hàng với tổng số tiền cho vay là 565,7 tỷ đồng. Hiện nay, các TCTD trên địa bàn đang tích cực phối hợp cùng khách hàng, UBND các địa phương xác định mức độ thiệt hại và hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ theo quy định.
Tuy nhiên, để việc hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đạt hiệu quả, ông Hiển cho biết, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành một số cơ chế, chính sách về tiền tệ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do cơn bão số 3. Trong đó, cho phép mở rộng các khách hàng vay vốn tại các TCTD để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ… bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 được hưởng chính sách khoanh nợ như đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang được quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; thời gian khoanh nợ khoảng 2 năm; Ban hành cơ chế, chính sách riêng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng đang vay vốn tại các TCTD bị thiệt hại bởi cơn bão số 3; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ mới cho các khách hàng bị ảnh hưởng, mức giảm từ 0,5-1%/năm.
Đồng thời, ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các TCTD mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay.y