Khu vực Nam Á - dư địa lớn cho hàng Việt
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Nam Á là thị trường có sức mua lớn và đang ngày một tăng trưởng. Trong những năm qua, giao thương giữa Việt Nam với các nước khu vực Nam Á nói chung và đặc biệt với 3 thị trường Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh nói riêng đã có nhiều bước phát triển khả quan. Doanh nghiệp Việt Nam có đầy đủ các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của các quốc gia này. Hơn nữa, hàng Việt Nam có điều kiện cạnh tranh dễ hơn ở khu vực này do yêu cầu kỹ thuật không khắt khe và giá cả của hàng Việt cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Pakistan là thị trường tiêu thụ lớn cá basa của Việt Nam |
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm hội nhập quốc tế TP.HCM cũng cho biết, thương mại Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nên dư địa xuất khẩu vào khu vực này khá lớn. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào thị trường khu vực Nam Á chủ yếu là các mặt hàng chế biến, chế tạo, chiếm 70%.
Khẳng định Ấn Độ là thị trường tiềm năng ông Bùi Trung Thướng, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, sau 10 năm Ấn Độ và ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này tăng 16 lần. Tuy vậy, so với mức hấp thụ thị trường, đặc biệt yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật không cao, hàng Việt còn rất nhiều triển vọng tại thị trường này. Mặc dù là nước có số dân cao thứ hai thế giới với gần 1,4 tỷ người, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ chỉ đạt khoảng 800 – 900 tỷ USD. Thị trường của Ấn Độ có nhu cầu về hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, hàng di động, hạt điều, hạt tiêu, cao su...
Ông Bùi Trung Thướng cho hay: “Do dân số Ấn Độ đông, phân hóa giàu nghèo rõ rệt nên các mặt hàng từ cao cấp cho đến đơn giản đều có thể tiếp cận được thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường này cần phải nghiên cứu và có chiến lược phù hợp, chia phân khúc thị trường mới đáp ứng nhu cầu người dân. Ấn Độ tuy là thị trường dễ tính nhưng quy định về phòng vệ thương mại như các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp… lại nhiều. Đây cũng là những lưu ý cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Chỉ rõ sản phẩm lợi thế của doanh nghiệp Việt, bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan cho biết, hiện Việt Nam đang là quốc gia số 1 xuất khẩu chè và cá ba sa vào đất nước này. Lợi thế của doanh nghiệp Việt đối với thị trường này là mặc dù Pakistan không trồng chè, điều, tiêu nhưng nhu cầu tiêu thụ rất cao. Chỉ đơn cử mặt hàng chè, Pakistan là thị trường nhập khẩu lớn nhất toàn cầu với hơn 200 ngàn tấn chè/năm, đạt 571,3 triệu USD, chiếm 7,7% tổng trị giá nhập khẩu chè toàn cầu, nhưng hiện Việt Nam chỉ mới xuất khẩu vào đây khoảng 35 ngàn tấn (chiếm 33% tổng kim ngạch chè xuất khẩu của Việt Nam). Theo bà Hà, giá chè của Việt Nam thấp nhất so với giá của các nước xuất khẩu khác vào Pakistan nên cạnh tranh tốt, thậm chí mặc dù chè xuất khẩu vào Pakistan phải đạt tiêu chuẩn Halal nhưng do nhu cầu tiêu dùng quá cao nên chỉ tiêu này không được kiểm soát khắt khe.
Một lần nữa, xác nhận tầm quan trọng của hàng Việt tại thị trường khu vực Nam Á, ông Phạm Việt Chiến, Đại sứ quán Việt Nam tại Banglades cũng cho biết, hàng Việt Nam rất có uy tín tại nước này: “Đây là một trong các nước đang phát triển nên đòi hỏi về chất lượng không quá cao, doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt. Banglades là thị trường tiềm năng để đầu tư vì hiện nước này đang thành lập 100 đặc khu kinh tế trên toàn quốc, dự kiến thu hút 30,2 tỷ USD và đến nay đã nhận được đề xuất đầu tư hơn 20,5 tỷ USD. Banglades muốn kết nối với Việt Nam để trở thành cửa ngõ cho hàng Việt vào Nam Á, nhất là các bang vùng Đông bắc Ấn Độ”.
Theo Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế các quốc gia, tác động tiêu cực do sự đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn về đầu ra cho hàng hóa xuất khẩu đã đặt ra yêu cầu cần phải thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn cung thay thế và tìm đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nước Nam Á hợp tác về thương mại và đầu tư, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên.