Kích hoạt thêm giải pháp tài chính cho PPP
Tăng vốn ngân sách giúp giảm rủi ro
Theo quy định tại Điều 69 Luật PPP, tỷ lệ vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn này bao gồm phần lớn là chi phí giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư (NĐT) đảm nhận hơn 50% tổng mức đầu tư còn lại; trong đó sẽ được phân ra gồm vốn chủ sở hữu chiếm từ 15-20% tổng mức đầu tư, còn lại NĐT phải tự huy động.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT công trình đường bộ (VARSI) đã chia sẻ về những bất cập của quy định này: Tỷ lệ vốn góp của Nhà nước khống chế không quá 50%, tổng mức đầu tư dự án là chưa thực sự bám sát điều kiện thực tế. Hơn nữa, việc quy định cứng như vậy khiến dự án cao tốc đi qua các địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn phức tạp và lưu lượng xe thấp… là không khả thi. Bởi lẽ ở các địa phương này, chi phí giải phóng mặt bằng, gia cố lớp đất nền để có mặt bằng sạch chiếm tỷ trọng rất lớn. Đó là chưa kể lưu lượng xe thấp khiến NĐT khó đảm bảo phương án tài chính. Điển hình như Dự án Xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Hoặc một số dự án tuy đi qua khu vực đồng bằng, nhưng nhu cầu giải phóng mặt bằng lớn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án, vì vậy cũng cần có thêm sự hỗ trợ từ NSNN. Vì thế, khi xây dựng phương án vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư, đã dẫn tới dự án không hấp dẫn NĐT, không thuyết phục các tổ chức tín dụng.
Ảnh minh họa |
Vì vậy NĐT đã khuyến nghị cần nới biên độ tỷ lệ hỗ trợ của NSNN tuỳ vào tính chất và đặc thù của từng dự án. Đây là giải pháp cần làm ngay nhằm hấp dẫn NĐT, đặc biệt đối với dự án tại vùng sâu vùng xa, nơi biên giới hay các khu vực có địa hình không thuận lợi như đồng bằng Sông Cửu Long…
Vẫn cần giải pháp tài chính ngoài ngân sách
Theo các chuyên gia, việc nới trần vốn góp từ NSNN cũng chỉ là một trong số nhiều giải pháp để hỗ trợ tài chính cho các dự án PPP. Bởi theo tinh thần hiện nay, Nhà nước chỉ tăng tỷ lệ vốn đối ứng đối với các dự án ở khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, trong khi nhu cầu đầu tư PPP ngay cả ở các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội thuận lợi vẫn rất lớn. Về lâu dài, cần phát triển thêm các kênh huy động vốn khác để phát triển dự án hạ tầng giao thông. Hiện nay chỉ dựa vào vốn vay từ các tổ chức tín dụng là không đủ.
Ở các nước phát triển mạnh về phương thức PPP, vốn đầu tư cho dự án kết cấu hạ tầng thường đến từ nhiều nguồn, đó là vốn mồi từ NSNN, vốn phát hành trái phiếu dự án, vốn chủ sở hữu của DN, vốn vay từ các định chế tài chính hoặc quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc… Trong đó tại nhiều quốc gia thực hiện thành công mô hình PPP thì quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia về PPP, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ, một số quốc gia đã có giải pháp hiệu quả để hỗ trợ tài chính trong quá trình thực hiện dự án, như Ấn Độ, Philippines có quỹ hỗ trợ tài chính và quỹ chuẩn bị dự án. Một số quốc gia khác có phương án quản lý các trách nhiệm tiềm ẩn, nhằm phòng ngừa rủi ro tài chính trong quá trình vận hành, như Chile xây dựng dòng dự phòng trong ngân sách; Hàn Quốc, Indonesia, Colombia xây dựng các quỹ bảo lãnh cơ sở hạ tầng, quỹ bảo lãnh tín dụng cơ sở hạ tầng…
Một giải pháp khác là phát hành trái phiếu dự án. Hiện nay trong Luật PPP đã có quy định về phương án phát hành trái phiếu dự án để huy động vốn, nhưng vì chưa có hướng dẫn triển khai nên cả NĐT và ngân hàng đều chưa thể khởi động phương án này.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị cần tính đến phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương gắn với phân cấp tài khoá để làm vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng trong đó có PPP. Hiện nay khả năng tài trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương ngày càng thu hẹp lại do nguồn lực từ trung ương phải phục vụ cho các dự án lớn. Vì vậy, chính quyền địa phương phải huy động được nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách với quy mô đủ lớn với kỳ hạn đủ dài và chi phí phù hợp để tận dụng được lợi thế từ đòn bẩy tài chính.
Theo các chuyên gia, thay bằng việc chính quyền trung ương đứng ra huy động vốn trên thị trường tài chính và cho chính quyền địa phương vay lại thì chính quyền địa phương dần trở thành chủ thể trực tiếp huy động và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các chủ nợ. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua xuất hiện ngày càng nhiều các dự án hạ tầng mang tính chất liên vùng, vì vậy việc trao quyền gắn với trách nhiệm để các địa phương tự hợp tác huy động vốn trên thị trường tài chính sẽ là xu hướng tất yếu để giảm gánh nặng cho ngân sách trung ương.