Kiểm soát khí thải xe máy thế nào?
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải trước tiên tại Đà Nẵng. Cụ thể: Từ 1/7/2018 áp dụng kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy trên 10 năm sử dụng. Từ ngày 1/7/2019 áp dụng với xe trên 5 năm sử dụng.
Tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ, việc kiểm soát khí thải được thực hiện theo lộ trình: Từ ngày 1/7/2020 đối với xe trên 10 năm sử dụng; Từ ngày 1/7/2021, bắt buộc đối với xe trên 7 năm sử dụng, xe có đăng ký lần đầu từ trước ngày 1/7/2014; Từ ngày 1/7/2022, bắt buộc đối với xe trên 5 năm sử dụng, xe có đăng ký lần đầu từ trước ngày 1/7/2017.
Xe mô tô, xe gắn máy thuộc phạm vi lộ trình quy định sau khi được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận, rồi xác nhận và dán tem kiểm định để các lực lượng kiểm tra phân biệt với những xe khác. Xe có kết quả kiểm định không đạt tiêu chuẩn khí thải phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và được kiểm định lại.
Cục Đăng kiểm đề xuất chu kỳ kiểm định là 2 năm/lần, sau đó sẽ được điều chỉnh xuống 1 năm/lần cho phù hợp. Nơi kiểm định xe máy sẽ được kết hợp giữa các đại lý ủy quyền của nhà sản xuất xe máy với các cơ sở đăng kiểm để thực hiện. Theo ước tính sơ bộ, thời gian kiểm định trung bình khoảng 8 phút/xe.
Phần đông người dân đều mong muốn có một chính sách nhất quán, rõ ràng quan tâm đến lợi ích và quyền lợi của họ |
Về chi phí kiểm định, Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Tài chính ban hành mức tính toán sơ bộ là 100 - 150 nghìn đồng/lần/xe.
Bình luận về vấn đề này, bạn Minh Quang (Hà Nội) nói rằng, ngoài chi phí kiểm định mà các cơ quan chức năng quy định, còn chi phí đi lại, chưa kể việc tốn kém thời gian và các chi phí cơ hội khác... Lợi ích của nó là gì? Loại bỏ vài nghìn chiếc xe không đạt chuẩn ư? “Thay vì làm cho xã hội tiêu tốn số tiền lớn, hãy quan tâm đến vấn đề thuế liên quan đến xe máy để người dân có điều kiện đổi xe thì ắt hẳn vấn đề tự nó sẽ được giải quyết!”, bạn Quang cho biết.
Bạn Anh Tuấn (lái xe ôm - Hà Đông) cũng chia sẻ: “Người dân chúng tôi khi thấy xe ra khói là đi sửa ngay, vì chẳng ai dại để xe xì khói cả, xe vừa yếu vừa tốn xăng. Chỉ có mấy ông xe bus, xe ben chạy dầu diesel mới xả khói đen mù mịt.
Chúng tôi mong các cơ quan chức năng hãy sáng suốt và cẩn trọng khi mỗi lần đưa ra một đề xuất, đừng để lãng phí tiền của của xã hội, đừng để phí chồng phí mà ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vốn còn nghèo nàn, cơ cực. Tôi có ý kiến nếu muốn bảo vệ môi trường thì cứ xử phạt những xe nào khi đang lưu thông mà xả khói. Hãy làm những gì nhanh nhất và tiết kiệm nhất!”.
Bạn Nguyễn Cường (Phú Thọ) thì nhăn nhó, hết đóng quỹ sử dụng đường bộ, lại chuẩn bị đóng thêm phí kiểm định khí thải đối với xe máy. Nhân dân phải bỏ tiền kiểm định xe, Nhà nước thì tốn tiền để mua trang thiết bị kiểm định xe máy và thời gian đi lại đăng ký kiểm định của người dân mà chưa biết chất lượng kiểm định như thế nào? Chỉ đơn giản như đóng quỹ sử dụng đường bộ đã được thông qua nhưng thử hỏi có bao nhiêu xe máy đã đóng quỹ? Rồi tem kiểm định khí thải sẽ dán ở đâu? Lỡ bong tróc do đi lại thì phải làm thế nào…? Phạt thì bao nhiêu? Ai phạt… các cơ quan chức năng cần phải có lộ trình rõ ràng thì người dân mới “tâm phục, khẩu phục.
Còn bạn Đăng Sơn (Hòa Bình) thắc mắc, đổ xăng mất tiền bảo vệ môi trường rồi, kiểm định khí thải cũng là bảo vệ môi trường, vậy đến lúc kiểm định thì có phải trả phí môi trường qua việc đổ xăng không?
Còn rất nhiều ý kiến của người dân xung quanh đề xuất này, ủng hộ để giảm tải những xe quá cũ nát cũng có, không đồng tình với mức phí kiểm định khí thải cũng có, phản đối đề xuất này cũng nhiều… Tuy nhiên phần đông người dân đều mong muốn có một chính sách nhất quán, rõ ràng quan tâm đến lợi ích và quyền lợi của người dân hơn nữa.