Kinh doanh ngân hàng sẽ còn khó khăn hơn
Kinh doanh ngân hàng sẽ khởi sắc Triển vọng kinh doanh ngân hàng những tháng cuối năm |
Ông nhận định thế nào về triển vọng kinh doanh của ngân hàng những tháng còn lại của năm?
Môi trường kinh doanh những tháng cuối năm vẫn chưa cải thiện nhiều nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng sẽ khó khăn. Kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Do kinh tế khó khăn, người dân nhiều nước lớn thắt chặt chi tiêu như Mỹ, châu Âu… nên cầu hàng hoá suy giảm ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, xuất khẩu trong nước. Mặc dù các hiệp định thương mại hỗ trợ rất tích cực nhưng vấn đề then chốt là người dân thắt chặt chi tiêu không có nhu cầu tiêu dùng hàng hoá. Để họ lạc quan hơn, mạnh dạn chi tiêu như trước theo tôi cần nhiều thời gian và phụ thuộc nền kinh tế phục hồi và lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý…
Từ thực tế trên chúng ta khó có thể kỳ vọng xuất khẩu hàng hoá tăng đột biến. Khi mà xuất khẩu vẫn còn trong tình trạng suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng sẽ gây nhiều hệ luỵ. Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không chỉ không trả nợ được cho ngân hàng mà cả đối với các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Chưa kể, khi số người lao động mất việc tăng thì nhu cầu vay tiêu dùng tăng nhưng khả năng trả nợ lại thấp, nguy cơ rủi ro cho ngân hàng. Điểm nữa là hiện nay tuy chúng ta có hàng loạt chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản nhưng mới chỉ tháo gỡ phần pháp lý, còn khả năng thanh khoản của thị trường phụ thuộc vào tâm lý người mua. Thị trường chỉ sôi động trở lại khi hoạt động mua - bán nhộn nhịp. Mà hiện tại người mua đang thận trọng, nên từ nay đến cuối năm khó kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi. Hai thị trường trên chưa hồi phục sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của ngân hàng vừa khó về tăng trưởng vừa rủi ro nhiều hơn.
Bên cạnh những khó khăn như đã nêu trên, theo ông có yếu tố thuận lợi nào đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng?
Mặc dù, hoạt động ngân hàng còn đối mặt nhiều khó khăn và có thể kéo dài, nhưng cũng xuất hiện những yếu tố tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế thông qua giảm lãi suất điều hành, và các công cụ khác trên thị trường mở, tỷ giá tiếp tục ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát… Đây là liều thuốc rất tốt cho các ngân hàng có thể đẩy tín dụng ra hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế.
Ở cấp Chính phủ cũng triển khai quyết liệt giải pháp, đặc biệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đối với nền kinh tế giải ngân đầu tư công là đòn bẩy tăng trưởng. Đặc biệt là các dự án đầu tư công về cơ sở hạ tầng vừa giải quyết công ăn việc làm vừa tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng tạo đầu ra sản phẩm cho các doanh nghiệp. Theo đấy ngân hàng cũng có thể tăng trưởng tín dụng…
Vậy theo ông ngân hàng cần có chiến lược kinh doanh ra sao để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức?
Trong điều kiện như hiện tại, ngân hàng phải cân bằng hai nhiệm vụ chính là tìm cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh và kiểm soát rủi ro, kiểm soát nợ xấu. Mặc dù môi trường kinh doanh khó khăn, cơ hội hiếm, nhưng các ngân hàng vẫn phải tận dụng, nắm bắt để phát triển. Chẳng hạn như giai đoạn vừa qua chỉ số bán lẻ tương đối ổn định, nên chúng tôi nắm bắt thị trường khai thác khá tốt phân khúc hộ gia đình. Nhờ vậy, các sản phẩm cho vay hộ gia đình tăng trưởng tốt. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục theo sát diễn biến nền kinh tế, nắm bắt cơ hội để khai thác khách hàng tiềm năng.
Các dịch vụ ngân hàng trên kênh số ngày càng phát triển góp phần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ cũng như mua bán hàng hoá trên kênh online. Xu hướng này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ là cơ hội cho các ngân hàng phát triển, mở rộng tệp khách hàng. Trên phân khúc này những lợi thế về bề dày hoạt động hay mạng lưới rộng lớn không còn quan trọng nữa mà quan trọng ngân hàng cần sự tiếp cận nhanh, đúng với các công nghệ mới, phát triển sản phẩm đúng nhu cầu khách hàng.
Xin cảm ơn ông!