Kinh tế Mỹ đón nhận những số liệu trái chiều trong tháng Chín
Kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc Mỹ: Lãi suất cao có thể 'kích hoạt' làn sóng phá sản doanh nghiệp Mỹ: Lạm phát tăng nhanh hơn dự báo trong tháng Chín |
Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Kinh tế Mỹ đón nhận những số liệu trái chiều trong ngày 17/10, khi sản lượng chế tạo của nước này đã tăng vượt kỳ vọng trong tháng 9/2023 bất chấp các cuộc đình công trong ngành sản xuất ôtô, nhưng niềm tin của giới xây dựng nhà đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm trong tháng Mười.
Theo báo cáo do Hiệp hội Xây dựng Nhà Quốc gia (NAHB) kết hợp với Wells Fargo tổng hợp và công bố ngày 17/10, Chỉ số niềm tin của các nhà xây dựng Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống mức 40 trong tháng này, sau khi chỉ số của tháng Chín được điều chỉnh ở mức 44.
Đây là dấu hiệu cho thấy lãi suất thế chấp cao đang đè nặng lên sự lạc quan của các công ty xây dựng và người mua nhà.
Tâm lý của các nhà xây dựng bắt đầu trượt dốc vào tháng Tám, thời điểm lãi suất cho vay mua nhà tăng lên trên 7%.
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất thế chấp đã tăng đều đặn kể từ năm ngoái và hiện vẫn ở mức cao nhất trong hai thập kỷ.
Chỉ số lưu lượng người mua sau khi đạt đỉnh điểm vào tháng Bảy ở mức 40 đã giảm xuống 26 trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Một chỉ số khác theo dõi các điều kiện bán trong lĩnh vực nhà ở cũng giảm 4 điểm xuống mức 46 trong tháng Mười.
Các nhà xây dựng ở Mỹ hiện đang tung ra các chương trình giảm giá nhằm thu hút người mua và thúc đẩy doanh số bán hàng, với 32% công ty xây dựng đã giảm giá bán.
Theo Chủ tịch NAHB Alicia Huey, các nhà xây dựng đã ghi nhận lượng người mua nhà thấp hơn do ảnh hưởng của lãi suất cao.
Lãi suất cao cũng đang làm tăng chi phí và mức sẵn có cho các khoản vay xây dựng và phát triển nhà ở, gây tổn hại đến nguồn cung và góp phần làm giảm khả năng chi trả của người mua nhà.
Cùng ngày 17/10, số liệu do Fed công bố cho thấy sản lượng chế tạo của nước này đã tăng 0,4% trong tháng Chín, cao hơn mức dự báo tăng 0,1% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, số liệu của tháng Tám lại được điều chỉnh xuống thấp hơn với mức sản lượng giảm 0,1% thay vì tăng 0,1% như báo cáo ban đầu.
So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng chế tạo của Mỹ giảm 0,8%. Còn tính riêng trong quý 3/2023, sản lượng chế tạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới không thay đổi.
Sản lượng của nhóm hàng hóa lâu bền tăng 2,3% trong khi nhóm hàng hóa không bền giảm 2,4%. Sản lượng ô tô và phụ tùng tăng 0,3% sau khi giảm 4,1% trong tháng Tám.
Sản lượng gỗ, kim loại thô, nhựa và các sản phẩm cao su cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, sản lượng hàng may mặc và đồ da cũng như sản phẩm in ấn và hàng hóa hỗ trợ đều giảm.
Sản lượng khai khoáng tăng 0,4% trong tháng Chín, thấp hơn mức tăng 0,2% của tháng Tám. Sản lượng các mặt hàng tiện ích giảm 0,3% sau khi tăng 0,7% trong tháng trước đó.
Tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0,3% trong tháng Chín, cải thiện hơn so với mức không thay đổi trong tháng Tám. Tính riêng trong quý III năm nay, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 2,5% sau khi chỉ tăng 0,7% trong quý II.
Bất chấp kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng Chín, hoạt động sản xuất của Mỹ vẫn bị hạn chế do nhu cầu hàng hóa chậm lại và ảnh hưởng từ lãi suất cao. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản lên mức 5,25%-5,50% hiện tại.