Kinh tế quý I: Bước khởi đầu tích cực
Mức tăng trưởng quý I cao nhất 5 năm
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Nhắc lại các con số tăng trưởng GDP quý I các năm so với cùng kỳ năm trước từ 2020-2023 (lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%) trong trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tăng trưởng GDP quý I/2024 là mức tăng quý I cao nhất trong 5 năm qua, gắn với đó là sự “đồng điệu” của lạm phát, khi CPI tháng 3 dịu lại và CPI bình quân 3 tháng chỉ tăng 3,77%. “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đây là bước khởi đầu tích cực cho nền kinh tế năm 2024 và cho thấy việc triển khai thực hiện các chính sách đã đi đúng hướng, được thể hiện bằng những kết quả tích cực”, bà Hương nói.
Theo kịch bản điều hành của Nghị quyết số 01/NQ-CP, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I phấn đấu đạt mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I (đạt 5,66%) đang đâu đó sát với kịch bản cao (5,6%) đặt ra. Và trong mức tăng 5,66% của GDP quý I, có thể thấy ở đó sự tăng trưởng ổn định của khu vực nông nghiệp và dịch vụ, trong khi có sự bứt phá tốt hơn ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98% (đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế); khu vực dịch vụ tăng 6,12% (đóng góp 52,23%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28% (đóng góp 41,68%).
Nhưng nếu soi lại mục tiêu điều hành của Nghị quyết số 01 và thực tiễn diễn biến trong quý vừa qua, giữa các khu vực đã có sự dịch chuyển nhất định so với kịch bản ban đầu. Cụ thể theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng 6,28% của khu vực công nghiệp và xây dựng trong quý I không chỉ tốt hơn cùng kỳ năm trước mà còn cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết số 01. Trong khi đó, các mức tăng trưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ (lần lượt là 2,98% và 6,12%), đều thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng (3,0% đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản; 6,3% và 6,5% đối với công nghiệp và xây dựng).
“Diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm cho thấy, có thể nói khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành”, bà Hạnh cho biết.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà khởi sắc từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%. Cũng liên quan đến các chỉ số này là lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa khi ghi nhận sự khởi sắc rõ nét, với kim ngạch xuất khẩu tăng 17% (trong khi quý I/2023 giảm 11,6%) và nhập khẩu tăng 13,9% (quý I/2023 giảm 15,4%) so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại quý I năm 2024 duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu đạt tới 8,1 tỷ USD (mức cao nhất trong vòng 5 năm qua).
Để đạt mục tiêu GDP 6,5% trong năm nay, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75% |
Hai kịch bản GDP năm 2024
Mặc dù ghi nhận những chỉ số kinh tế quý I/2024 là khá tích cực. Tuy nhiên, so với nền thấp ở quý I/2023, từ số liệu tăng trưởng GDP đến các chỉ số ở hầu hết các ngành, lĩnh vực còn một điểm rất đáng lưu ý. Đơn cử, dù sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng là trên nền sản xuất quý I/2023 giảm (quý I/2023 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước). “Tốc độ tăng quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 - là hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 - và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch Covid-19”, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và xây dựng phân tích. Hay chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tăng 5,9%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chỉ cao hơn quý I/2023, là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm) cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 cũng cho thấy một quan ngại khác. Dù có được mức tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%), song vẫn chưa thể về mức đạt được thời điểm trước đại dịch. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tăng này đang thấp hơn khoảng 3,3% so với mức tăng bình quân giai đoạn (2015-2019), cho thấy cần triển khai nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng – một trong những động lực ngày càng quan trọng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo.
Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024 theo Nghị quyết số 01. Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP đạt 6%: Quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12% (trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%). Ở kịch bản 2, tăng trưởng GDP đạt 6,5%): Quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75% (trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%).
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn. Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 01.
Trong đó, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao…